Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Chào LS, nhờ LS tư vấn cho tôi vấn đề sau:
Tôi tốt nghiệp trường Đại học Vinh, chuyên ngành sư phạm toán, tôi có kí kết hợp đồng dạy học tại Trường THPT Chu Văn An – Quảng Bình, trường tư thục. Hợp đồng có thời hạn là 3 năm. Do trong một khoảng thời gian dạy, tôi thấy môi trường không hợp nên muốn nghỉ việc để chuyển qua môi trường khác. Nhưng Nhà trường không chấp nhận, và trả lời rằng, đon xin nghỉ việc phải nộp trước 5 năm, ngoài ra phải chịu phạt 10 tháng lưng cao nhất, nếu không đáp ứng thì sẽ bị giữ bằng tốt nghiệp. Hỏi LS, Nhà trường hành xử như thế có đúng quy định pháp luật không?
Công ty luật TNHH Tre Việt cám ơn bạn đã gửi câu hỏi xin tư vấn đến cho chúng tôi. Về vấn đề bạn còn đang thắc mắc chúng tôi trả lời như sau:
Do hệ thống trường Chu Văn An- Quảng bình là hệ thống các trường tư thục, nên quan hệ giữa giáo viên ký kết hợp đồng với Nhà trường là quan hệ được điều chỉnh bởi pháp luật lao động. Theo đó, mọi điều khoản trong hợp đồng lao động không được trái với các quy định pháp luật lao động.
Thứ nhất, đối với việc giữ văn bằng gốc của giáo viên. Theo quy định tại Điều 20 của Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động.
Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định nêu trên thì bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 của Chính phủ.
Thứ 2, các điều khoản về nghỉ việc và phạt hợp đồng. Theo Khoản 2, Điều 38, BLLĐ thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đông lao động, nhưng phải báo trước ít nhất một khoảng thời gian nhất định, như đối với hợp đồng không xác định thời hạn thì phải báo trước ít nhất 45 ngày. Do đó, giáo viên thực hiện việc thông báo đúng theo quy định pháp luật, thì Nhà trường phải có trách nhiệm giải quyết mọi quyền lợi cho giáo viên, như trả lương, trả sổ bảo hiểm,...
Các điều khoản như phải báo trước 5 năm, hay phạt 10 tháng lương là những điều khoản trái với BLLĐ, do đó, những điều khoản này bị vô hiệu, không có giá trị hiệu lực đối với các bên từ thời điểm kí kết.
Việc Nhà trường không tiến hành giải quyết quyền lợi cho giáo viên theo BLLĐ thì Nhà trường phải chịu trách nhiệm hành bồi thường cho giáo viên, ngoài ra, còn phải chịu trách nhiệm hành chính.
Do đó, để bảo vệ quyền lợi của mình, thì các giáo viên nên thỏa thuận với Nhà trường, hoặc tiến hành yêu cầu tòa án giải quyết.