CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

Cách viết Đơn khởi kiện để không bị tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc bị trả lại

06/03/2025
 432

Cách viết Đơn khởi kiện để không bị tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc bị trả lại

Viết đơn khởi kiện đúng quy định là bước đầu tiên và quan trọng nhất khi khởi kiện tại tòa án. Nếu đơn không đúng hoặc thiếu nội dung theo quy định, tòa án sẽ yêu cầu sửa đổi, bổ sung, hoặc trả lại đơn khởi kiện, làm mất thời gian và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách soạn đơn khởi kiện đúng quy định pháp luật, tránh bị tòa án yêu cầu chỉnh sửa.

Khi khởi kiện tại tòa án, điều quan trọng nhất là chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nghĩa là:

Thiệt hại của nguyên đơn là gì?

Ai gây ra thiệt hại đó?

Thẩm quyền tòa nào giải quyết?

Yêu cầu tòa án giải quyết vấn đề gì?

Ngoài ra, yêu cầu tòa án giải quyết cũng phải phù hợp với khả năng thi hành án (THA) hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thực hiện được. Nếu Bản án hay Quyết định của Tòa án không thể thi hành, dù thắng kiện, bản án hay quyết đó cũng không có ý nghĩa thực tế.

1. Cơ sở pháp lý

Việc soạn đơn khởi kiện cần tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 (BLTTDS) và các văn bản hướng dẫn liên quan. Các điều luật quan trọng cần lưu ý gồm:

Điều 189 BLTTDS 2015: Quy định về hình thức và nội dung đơn khởi kiện.

Điều 191 BLTTDS 2015: Quy định về xử lý đơn khởi kiện của tòa án.

Điều 26, 30, 35, 36 BLTTDS: Quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án.

Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao: Hướng dẫn áp dụng một số quy định về thủ tục nhận đơn khởi kiện.

Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi 2014: Đảm bảo yêu cầu khởi kiện phù hợp với khả năng THA.

2. Các nội dung bắt buộc trong đơn khởi kiện

Theo khoản 4 Điều 189 BLTTDS 2015, đơn khởi kiện phải có các nội dung sau:

2.1. Thông tin người khởi kiện và người bị kiện

Người khởi kiện: Ghi đầy đủ họ tên, ngày sinh, CCCD/CMND, địa chỉ liên hệ. Nếu là tổ chức thì ghi rõ tên công ty, mã số thuế, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật.

Người bị kiện: Cần xác định rõ danh tính, địa chỉ chính xác. Nếu bị đơn là doanh nghiệp, cần ghi đúng tên theo giấy phép đăng ký kinh doanh.

Lưu ý: Nếu không có địa chỉ rõ ràng của bị đơn, tòa án có thể yêu cầu sửa đổi, bổ sung hoặc từ chối thụ lý. Bởi tòa án không tống đạt được các văn bản của Tòa án cho bị đơn, không triệu tập được người bị kiện.

2.2. Quyền và lợi ích bị xâm phạm (Thiệt hại của nguyên đơn)

Phải trình bày rõ sự kiện pháp lý nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khởi kiện Đây là phần quan trọng nhất trong đơn khởi kiện. Bởi bạn phải xác định được quan hệ tranh chấp ở đây là gì để vận dụng pháp luật giải quyết có lợi nhất cho bạn, nếu bạn không hiểu biết pháp luật bạn đã bị thiệt ngay từ khi bạn đưa ra yêu cầu buộc tòa án giải quyết.  Phải trình bày rõ:

Nguyên đơn bị thiệt hại gì?

Ví dụ: Bị đơn vi phạm hợp đồng, không trả tiền hàng hóa; chiếm đất của nguyên đơn gây thiệt hại quyền sử dụng đất; không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng…

Hay bị hàng xóm rào chắn mất lối đi vào nhà mình thì đây là quan hệ pháp luật gì, yêu cầu tòa làm gì

Ai gây ra thiệt hại này?

Phải chứng minh mối quan hệ nhân – quả giữa hành vi của bị đơn và thiệt hại của nguyên đơn. Nếu không chứng minh được, tòa án có thể từ chối thụ lý vụ án vì không có căn cứ khởi kiện.

Ví dụ:

A ký hợp đồng mua hàng với B, nhưng B không giao hàng đúng hạn, gây thiệt hại kinh tế cho A.

C xây nhà lấn sang phần đất của D, làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của D.

Các chứng cứ kèm theo có thể là hợp đồng, biên bản làm việc, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hình ảnh, tin nhắn, video…

2.3. Thẩm quyền giải quyết của tòa án

Việc xác định đúng tòa án nào có thẩm quyền giải quyết là rất quan trọng. Nếu sai, đơn khởi kiện sẽ bị chuyển đi hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Nhất là bị đơn đã trốn tránh bỏ đi khỏi nơi thường trú, hoặc bị đơn trốn truy nã, đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp,…

Nguyên tắc xác định thẩm quyền:

Vụ án dân sự thông thường thì thẩm quyền Tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc làm việc (Điều 39 BLTTDS).

Tranh chấp bất động sản, thẩm quyền Tòa án nơi có bất động sản (Điều 26 BLTTDS).

Tranh chấp kinh doanh thương mại, thẩm quyền Tòa án nơi doanh nghiệp bị kiện có trụ sở chính. Hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng hai bên đã ký.

2.4. Yêu cầu tòa án giải quyết (Quan hệ pháp luật tranh chấp)

Đây là phần thể hiện mục đích khởi kiện. Yêu cầu của nguyên đơn phải cụ thể, rõ ràng, và có khả năng thi hành.

Yêu cầu hợp lý:

Buộc bị đơn trả lại số tiền…

Xác định quyền sở hữu đối với tài sản…

Chấm dứt hành vi vi phạm hợp đồng…

Hủy hợp đồng mua bán và bồi thường thiệt hại…

Yêu cầu không hợp lý (bị tòa bác bỏ):

Yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai mà không có biện pháp cưỡng chế thi hành.

Yêu cầu tòa án buộc công ty sa thải nhân viên nào đó (tòa án không có thẩm quyền can thiệp vào quan hệ lao động trong trường hợp này).

Yêu cầu Tòa án buộc bị đơn và những người liên quan phải làm thủ tục pháp lý để được sang tên chuyển nhượng vào tên của mình (nguyên đơn).

Lưu ý: Yêu cầu của nguyên đơn phải phù hợp với khả năng cưỡng chế thi hành án. Nếu tòa tuyên án nhưng không có biện pháp thi hành, bản án sẽ chỉ mang tính hình thức. hoặc yêu cầu của nguyên đơn hay bản án, quyết định của tòa an nhưng cơ quan hành chính không thể làm được không phù hợp với pháp luật chuyên ngành, hoặc không phù hợp với hướng dẫn các thủ tục của cơ quan hành chính đó.

2.5. Tài liệu, chứng cứ kèm theo

Theo khoản 5 Điều 189 BLTTDS, đơn khởi kiện phải có tài liệu chứng minh. Một số tài liệu quan trọng:

Tranh chấp hợp đồng: Hợp đồng, hóa đơn, biên bản vi phạm…

Tranh chấp đất đai: Sổ đỏ, quyết định giải quyết tranh chấp của UBND…

Tranh chấp hôn nhân gia đình: Giấy đăng ký kết hôn, bản sao hộ khẩu…

Không cung cấp đủ chứng cứ có thể dẫn đến việc tòa án yêu cầu bổ sung hoặc không thụ lý vụ án.

3. Những lỗi thường gặp khiến tòa án yêu cầu sửa đổi, bổ sung

Tòa án có thể yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong các trường hợp sau (theo Điều 191 BLTTDS 2015):

Không ghi rõ yêu cầu khởi kiện (ví dụ: chỉ ghi “đề nghị tòa giải quyết” mà không nói rõ yêu cầu gì).

Không chứng minh được thiệt hại của nguyên đơn, Tòa án từ chối thụ lý.

Xác định sai thẩm quyền của tòa án (ví dụ: tranh chấp có yếu tố nước ngoài (bị đơn hoặc nguyên đơn hoặc người liên quan trong vụ án đang ở nước ngoài nhưng lại nộp đơn lên Tòa án nhân dân cấp huyện).

Không xác định đúng bị đơn hoặc không ghi rõ địa chỉ, khiến tòa án không thể triệu tập.
Đơn khởi kiện về Tranh chấp tài sản, đòi quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng lại không ghi rõ tài sản đấy hiện nay ai đang chiếm hữu, sử dụng, không tự định giá trị tài sản đang tranh chấp hiện nay bao nhiêu tiền để tòa tính tạm ứng án phí.

Thiếu chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm phạm. Không đủ cơ sở giải quyết.

thiet-ke-chua-co-ten-64

4. Kết luận

Viết đơn khởi kiện đúng ngay từ đầu giúp tiết kiệm thời gian và đảm bảo quyền lợi khi khởi kiện. Khi soạn đơn, cần tuân thủ Điều 189 BLTTDS 2015  và cần đặc biệt chú trọng đến:

Chứng minh thiệt hại và xác định rõ ai gây ra thiệt hại.

Xác định đúng tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Nêu yêu cầu khởi kiện phù hợp với quy định pháp luật và khả năng thi hành án.

Nếu bạn cần tư vấn và hỗ trợ viết đơn khởi kiện chuyên nghiệp, hãy liên hệ Công ty Luật TNHH Tre Việt để đảm bảo đơn khởi kiện đầy đủ và đúng quy định pháp luật

Hãy liên hệ ngay với Luật Tre Việt để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời!

 Hotline: 0989 185 188 

 LUẬT TRE VIỆT – TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ!

  Theo dõi chúng tôi "Luật Tre Việt" :Duong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia Youtube

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .