CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

Khi nào người khởi kiện được nhận lại tiền tạm ứng án phí dân sự

23/07/2025
 4

Khi nào người khởi kiện được nhận lại tiền tạm ứng án phí dân sự

Tiền tạm ứng án phí là khoản tiền tạm ứng được thu trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo thụ lý vụ án. Vậy khi nào người khởi kiện được nhận lại khoản tiền này.

1. Tiền tạm ứng án phí là gi ?

Tiền tạm ứng án phí là khoản tiền mà người khởi kiện phải nộp vào ngân sách nhà nước theo thông báo từ cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, khoản tạm ứng án phí bao gồm tạm ứng án phí sơ thẩm và tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Đối với mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch. Mức án phí này được quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Đối với mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm thì bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.

2. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí

Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí được áp dụng cho cả người khởi kiện và người bị kiện theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015:

“Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự phải nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm, người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.”

Người khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự thì phải nộp tiền tạm ứng án phí giải quyết yêu cầu đó. Trừ trường hợp người khởi kiện thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí.

Với bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nếu yêu cầu đó có nội dung độc lập trong vụ án thì bị đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí với phần yêu cầu đó.

3. Khi nào người khởi kiện được nhận lại tiền tạm ứng án phí dân sự

3.1 Trường hợp khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật

Để người khởi kiện được nhận lại tiền tạm ứng án phí dân sự cần các điều kiện như quy định tại khoản 3 Điều 144 Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:

“Người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí phải chịu án phí, lệ phí thì ngay sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, số tiền tạm ứng đã thu được phải được nộp vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp người đã nộp tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan thi hành án đã thu tiền tạm ứng án phí, tiền tạm ứng lệ phí phải làm thủ tục trả lại tiền cho họ.”

Như vậy, người khởi kiện được hoàn trả tiền tạm ứng án phí dân sự khi đã có bản án, Quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Đồng thời, để người khởi kiện được hoàn trả lại tiền tạm ứng án phí thì cần có các điều kiện theo quy định tại khoản 5 Điều 126 Luật thi hành án dân sự:

“Việc trả lại tiền tạm ứng án phí theo bản án, quyết định được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này”.

Do đó, sau khi đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án chứa nội dung về việc trả lại một phần hoặc toàn bộ số tiền tạm ứng án phí cho người khởi kiện thì người khởi kiện cần gửi bản án, quyết định của Toà án đến Cơ quan thi hành án có thẩm quyền để thực hiện thủ tục nhận lại số tiền tạm ứng án phí.

Khi đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại tiền trong trường hợp bản án, quyết định tuyên trả lại tài sản là số tiền tạm ứng án phí tương ứng cho người khởi kiện. Tuy nhiên, nếu người khởi kiện là người phải thi hành nghĩa vụ trả tiền không tự nguyện thi hành án thì Chấp hành viên xử lý số tiền tạm ứng án phí nêu trên để thi hành án với nghĩa vụ cần thi hành.

Sau khi đã có quyết định trả lại số tiền tạm ứng án phí, Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự thông báo cho người khởi kiện về thời gian, địa điểm nhận lại số tiền trên.

Nếu hết các thời hạn sau mà người khởi kiện không nhận số tiền tạm ứng án phí thì số tiền này được xử lý như sau:

– Nếu hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận thông báo mà không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho người khởi kiện;

– Nếu hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo nhưng đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên sẽ gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự;

– Nếu hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người khởi kiện không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục sung quỹ nhà nước.

3.2 Trường hợp nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn rút yêu cầu phản tố, người có quyền và nghĩa vụ liên quan rút yêu cầu độc lập

Trường hợp khi nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Toà án ra quyết định đình chỉ vụ án dân sự đã thụ lý. Theo đó, nguyên đơn thực hiện việc nhận lại tiền tạm ứng án phí tương tự như trường hợp khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

Đối với trường hợp bị bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Theo đó, nguyên đơn thực hiện việc nhận lại tiền tạm ứng án phí tương tự như trường hợp khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Như vậy, với yêu cầu độc lập của bị đơn thì bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn.

Còn với trường hợp bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn. Và theo đó, nguyên đơn thực hiện việc nhận lại tiền tạm ứng án phí tương tự như trường hợp khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Còn với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .