VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC CÓ ĐƯỢC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG? ĐƯỢC HƯỞNG NHỮNG CHẾ ĐỘ NÀO?
1. Viên chức là gì?
Căn cứ Điều 2 Luật Viên chức năm 2010 quy định:
“Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.
2. Viên chức có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP:
“Viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5 Điều 29 Luật viên chức”.
Dẫn chiếu đến Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 29 Luật viên chức năm 2010 quy định:
“4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày.
5. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp sau:
a) Không được bố trí theo đúng vị trí việc làm, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng làm việc;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc không được trả lương đúng thời hạn theo hợp đồng làm việc;
c) Bị ngược đãi; bị cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng;
đ) Viên chức nữ có thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở chữa bệnh;
e) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị từ 03 tháng liên tục mà khả năng làm việc chưa hồi phục.
6. Viên chức phải thông báo bằng văn bản về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 03 ngày đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 5 Điều này; ít nhất 30 ngày đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 5 Điều này”.
Như vậy, viên chức nhà nước có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước, với khoảng thời gian đối với từng loại hợp đồng như quy định tại Khoản 4, 5 và 6 Điều 29 Luật viên chức năm 2010.
3. Hậu quả pháp lý khi viên chức thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định của pháp luật?
Nếu viên chức không thuộc các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc không đáp ứng các điều kiện về thời gian báo trước thì sẽ bị coi là nghỉ việc trái luật. Khi đó, viên chức có thể phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 35 Luật Viên chức 2010:
“Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng
1. Viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.
3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.”
Bên cạnh đó, Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức có quy định:
“Đền bù chi phí đào tạo
Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.”
Như vậy, nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc trái quy định thì viên chức phải đền bù chi phí đào tạo (nếu có) theo quy định trên.
4. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, viên chức được hưởng những chế độ nào?
Căn cứ Điều 45 Luật viên chức năm 2010:
“Chế độ thôi việc
1. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Bị buộc thôi việc;
b) Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc mà vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 29 của Luật này;
c) Chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định tại khoản 5 Điều 28 của Luật này.”
Như vậy, trừ các trường hợp thuộc khoản 2 Điều 45 Luật Viên chức năm 2010, viên chức khi chấm dứt hợp đồng lao động được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, trường hợp bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không trái pháp luật thì được hưởng các khoản như: trợ cấp thôi việc và chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo các quy định của pháp luật.
5. Tôi là viên chức nhà nước, ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2000 đến nay. Vì lý do cá nhân, tôi muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy tôi sẽ được nhận những chế độ nào?
5.1. Trợ cấp thôi việc:
Tiền trợ cấp thôi việc = ½ * Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc * Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Trong đó:
+ Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.
+ Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được xác định bằng tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia BHTN và thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Trường hợp bạn đã làm việc từ năm 2000, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là từ thời gian bắt đầu làm việc (năm 2000) đến hết 31/12/2008). Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo năm tính đủ 12 tháng, trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc.
5.2. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp – trợ cấp thất nghiệp:
Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp phụ thuộc vào tổng số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng căn cứ theo quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 cụ thể như sau:
"Thời gian hưởng được tính theo số tháng đóng, đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng"
Như vậy, bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong tối đa 12 tháng với mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng = Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%.
TIN TRE VIỆT, TRỌN GIÁ TRỊ!