Thủ tục tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện cho hộ gia đình
THAM GIA BẢO HIỂM Y TẾ TỰ NGUYỆN CHO HỘ GIA ĐÌNH
Câu hỏi tư vấn: Gia đình tôi có 5 người, tôi đang có ý định tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện cho cả gia đình, bố tôi là công chức đã được đóng bảo hiểm. Vậy tôi cần phải đóng bảo hiểm cho mấy người, và chuẩn bị những giấy tờ gì, làm những thủ tục nào?
Xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho Luật NVV, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:
Căn cứ theo Thông tư liên tịch 41/2014/TT-BYT-BTC hướng dẫn bảo hiểm y tế ban hành ngày 24 tháng 11 năm 2014 quy định như sau:
"a) Toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu, trừ nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này và người đã khai báo tạm vắng;
b) Toàn bộ những người có tên trong sổ tạm trú, trừ đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và Khoản 4 Điều này;"
Ví dụ 1: Gia đình ông B có 05 người có tên trong sổ hộ khẩu, trong đó có 01 người hưởng lương hưu, 01 người là công chức; ngoài ra, có 01 người ở địa phương khác đến đăng ký tạm trú. Số người tham gia BHYT theo hộ gia đình ông B là 04 người.
Như vậy, gia đình bạn chỉ phải tham gia bảo hiểm y tế cho 4 người còn lại vì bố bạn đã được đóng bảo hiểm y tế tại cơ quan.
Bạn có thể đăng ký tham gia bảo hiểm y tế tại các Đại lý thu bảo hiểm y tế là Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi bạn có Sổ tạm trú.
Bạn cần chuẩn bị những loại giấy tờ sau:
– Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế theo mẫu 01- BHYTTN với đầy đủ thông tin cá nhân.
– Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú do cơ quan công an cấp cơ sở cấp và Chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác để đối chiếu.
Sau khi thông tin được đối chiếu, bạn sẽ phải nộp tiền đóng bảo hiểm y tế ngay tại đại lý thu bảo hiểm y tế cấp cơ sở. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan bảo hiểm y tế nhận được hồ sơ hợp lệ, bạn sẽ được nhận thẻ bảo hiểm y tế của mình.
Người tham gia BHYT đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng thì số tiền đóng được xác định theo mức đóng giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 105/2014/NĐ-CP và mức lương cơ sở tại thời điểm đóng BHYT. Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở thì người tham gia không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại đã đóng BHYT.
Ví dụ 2: Trường hợp 04 người của gia đình ông B ở ví dụ 1 tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư này, có nhu cầu đóng BHYT một lần cho cả năm, số tiền đóng BHYT được xác định như sau (trường hợp Nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở thì vận dụng như ví dụ 2 tại Khoản 2 Điều này):
- Người thứ nhất: 1.150.000 đồng x 4,5% x 12 tháng = 621.000 đồng.
- Người thứ hai: 621.000 đồng x 70% = 434.700 đồng.
- Người thứ ba: 621.000 đồng x 60% = 372.600 đồng.
- Người thứ tư: 621.000 đồng x 50% = 310.500 đồng.