CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

NHÂN VIÊN LẤY TRỘM TÀI SẢN CỦA CÔNG TY, BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

18/12/2023
 52

1.     Nhân viên lấy trộm tài sản thì công ty có thể xử lý như thế nào?

          Trộm tài sản của công ty là việc nhân viên lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu của công ty một cách bất hợp pháp. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, bên cạnh đó, hành vi lấy trộm tài sản công ty còn là hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

          Theo Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 thì hiện nay có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động sa thải như:

- Khiển trách.

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

- Cách chức.

- Sa thải.

          Căn cứ khoản 1 Điều 125 Bộ luật Lao động 2019, áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải được quy định như sau:

“Điều 125. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải

Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

…”

          Có thể thấy, người lao động có hành vi trộm cắp tài sản tại công ty có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Lao động 2019 không quy định chi tiết giá trị tài sản trộm cắp từ bao nhiêu tiền trở lên thì người lao động bị áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.

          Theo đó, việc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải với người lao động có hành vi trộm cắp tại nơi làm việc sẽ căn cứ vào nội quy lao động của công ty. Bởi theo điểm g khoản 2 Điều 69 Nghị định 145/2020, nội quy lao động của công ty phải ghi nhận cụ thể các hành vi vi phạm kỷ luật lao động cũng như các hình thức xử lý kỷ luật lao động.

          Tóm lại, công ty, doanh nghiệp có quyền xử lý kỷ luật sa thải với nhân viên có hành vi trộm cắp tài sản tại nơi làm việc. Cần lưu ý rằng công ty không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động.

          Ví dụ, công ty không thể vừa sa thải, vừa cắt hết lương của người lao động vi phạm kỷ luật lao động.

2.     Mức xử phạt hành chính đối với nhân viên lấy trộm tài sản công ty?

          Căn cứ điểm a khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi trộm cắp tài sản của công ty được quy định như sau:

“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.”

          Như vậy, nhân viên thực hiện hành vi lấy trộm tài sản của công ty chưa đến mức truy cứu tránh nhiệm hình sự thì bị có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và áp dụng hình thức thức xử phạt bổ sung như sau:

- Tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản;

- Áp dụng hình thức trục xuất đối với nhân viên là người nước ngoài thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

3.     Nhân viên lấy trộm tài sản công ty có bị xử lý hình sự?

          Căn cứ Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14), nhân viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản nếu thực hiện hành vi trộm cắp 02 đôi giày có tổng giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản;

- Đã bị kết án về Tội trộm cắp tài sản hoặc về một trong các Tội: Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản... chưa được xóa án tích lại vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống của chính họ và gia đình;

- Tài sản là di vật, cổ vật.

          Cũng theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi khoản 34 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14), khung hình phạt với tội trộm cắp tài sản cụ thể như sau:

- Khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm họăc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:

+ Trộm cắp tài sản trị giá từ 02 triệu đồng trở lên; hoặc

+ Dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc 01 trong các trường hợp nêu trên.

- Khung hình phạt tù từ 02 - 07 năm nếu phạm tội trộm cắp tài sản mà thuộc 01 trong các trường hợp:

+ Phạm tội có tổ chức;

​+ Có tính chất chuyên nghiệp;

+ Chiếm đoạt tài sản giá trị từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

+ Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

+ Hành hung để tẩu thoát;

+ Tài sản là bảo vật quốc gia;

+ Tái phạm nguy hiểm.

- Khung hình phạt tù từ 07 - 15 năm khi phạm tội thuộc 01 trong các trường hợp:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

- Khung hình phạt tù từ 12 - 20 năm khi:

+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên;

​+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

- Ngoài ra, nhân viên phạm tội trộm cắp tài sản có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng.

Trên đây là giải đáp của Luật Tre Việt về vấn đề Nhân viên l;ấy trộm tài sản công ty. Mọi vướng mắc pháp lý cần tư vấn xin vui lòng liên hệ với luật sư của Công ty Luật Tre Việt  để được giải đáp miễn phí.
CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT - TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
HOTLINE: 0989185188

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .