CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

26/10/2023
 141

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

I. Quy định chung

1. Luật An toàn thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 17 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011.

Luật An toàn thực phẩm quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm;

Quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm;

Quy định về kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm;

Quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, một số văn bản hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm liên quan đến cơ sở kinh doanh thực phẩm.

2. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, trừ các trường hợp sau theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Trong đó, nhóm cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không cần Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm vẫn có thể hoạt động được bao gồm:

- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ

- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định

- Sơ chế nhỏ lẻ

- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ

- Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn.

- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

- Nhà hàng trong khách sạn.

- Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm.

- Kinh doanh thức ăn đường phố.

3. Tiêu chí kiểm tra an toàn thực phẩm

Mặc dù được miễn giảm Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng các trường hợp trên vẫn thường xuyên bị kiểm tra, cho nên đối với các đơn vị này cần tuân thủ các tiêu chí kiểm tra của cơ quan chức năng, nhằm tuân thủ pháp luật và cũng là cách bảo vệ sức khỏe dành cho khách hàng của mình:

Các tiêu chí kiểm tra bao gồm:

(1) Nơi kinh doanh phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm.

(2) Bày bán/chế biến thức ăn trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất 60 cm

(3) Thức ăn được che đậy, bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi bẩn, mưa nắng và các loài côn trùng, động vật khác

(4) Không để lẫn giữa những thực phẩm sống và thực phẩm chín

(5) Có dụng cụ xúc, gắp thức ăn sạch sẽ

(6) Bảo đảm có đủ nước và nước đá sạch phù hợp với quy định

(7) Người sản xuất kinh doanh nhóm ngành nghề này phải có sức khỏe tốt và có kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

(8) Có sổ sách ghi chép nguồn thực phẩm

(9) Có đủ dụng cụ, túi đựng chất thải, rác thải kín và hợp vệ sinh.

II. CÁC BIỆN PHÁP PHÁP LÝ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN VỆ SINH ATTP

Trong hệ thống pháp luật nước ta hiện nay có nhiều văn bản pháp luật có nội dung quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực ATVSTP, như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Bộ luật Hình sự; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012... và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên.

1. Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm

a1) Quyền của người tiêu dùng thực phẩm

Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có tám quyền sau đây:

(i)      Quyền được an toàn;

(ii)     Quyền được thông tin;

(iii)    Quyền được lựa chọn;

(iv)    Quyền được lắng nghe;

(v)     Quyền được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

(vi)    Quyền được yêu cầu bồi thường;

(vii)   Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện;

(viii) Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng.

a2) Nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm

Không chỉ quy định về quyền và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, một trong những điểm nổi bật mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đưa ra là quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng. Quy định cụ thể về nghĩa vụ của người tiêu dùng được ghi nhận tại Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. 

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 cũng có quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm tại Khoản 2 Điều 9. 

2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm

a) Trách nhiệm chung của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với người tiêu dùng thực phẩm

Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng”. Trong đó, quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 liên quan đến trách nhiệm của thương nhân trong lĩnh vực ATVSTP, đó là trách nhiệm “Ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật” và “Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa”.

Việc ghi nhãn mác hàng hoá là một hình thức đảm bảo cho thông tin về thực phẩm được cung cấp đầy đủ, tạo điều kiện cho người tiêu dùng dựa vào đó để lựa chọn thực phẩm phù hợp với nhu cầu của mình. Thực hiện cảnh báo về nguy cơ gây nguy hiểm của thực phẩm là trách nhiệm mà chỉ có nhà sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm có thể thực hiện vì họ là chủ thể hiểu rõ nhất về thực phẩm mà mình đang sản xuất và kinh doanh.

b) Quy định trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật và bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật gây ra

Một trong những quy định mang tính đột phá nhất của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là quy định tại Điều 23 về “Bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra” hay trách nhiệm sản phẩm. Cùng với đó là quy định về trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật tại Điều 22. Các quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm và đảm bảo ATVSTP ngay từ khâu sản xuất.. Đây chính là rào cản pháp lý hữu hiệu để các nhà sản xuất, kinh doanh nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng thực phẩm trong quá trình sản xuất, bảo quản nếu không muốn bị truy cứu trách nhiệm khi sản phẩm mình sản xuất ra gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.                                     

Thực phẩm có khuyết tật ngay từ giai đoạn sản xuất nếu đuợc đưa vào lưu thông thì hậu quả tất yếu sẽ thiệt hại cho người tiêu dùng về tính mạng, sức khỏe, tài sản. 

3. Giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ tại Điều 30. Theo đó, có bốn phương thức giải quyết tranh chấp đó là thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án. Luật còn quy định không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng. Trong số bốn phương thức trên, hầu hết các quốc gia ghi nhận việc sử dụng ba phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải và tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và thương nhân trong lĩnh vực ATVSTP.

4. Tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Điều 27, 28, 29 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Các hoạt động của tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam bao gồm hướng dẫn, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, kế hoạch và biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng.

Quyền khởi kiện tập thể thông qua tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có nhiều điều kiện cũng như cơ hội để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Lợi ích của việc khởi kiện tập thể là tăng cường sức mạnh cho tập thể những người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi, tạo sức ép lớn lên thương nhân vi phạm và tiết kiệm chi phí cho Nhà nước

MỌI THẮC MẮC XIN VUI LÒNG LIÊN HỆ LUẬT TRE VIỆT ĐỂ ĐƯỢC GIẢI ĐÁP

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .