CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

THỦ TỤC LUẬT SƯ VÀO TRẠI TAM GIAM GẶP BỊ CAN, BỊ CÁO

26/07/2024
 109

THỦ TỤC LUẬT SƯ VÀO TRẠI TAM GIAM GẶP BỊ CAN, BỊ CÁO

Quyền gặp mặt, tiếp xúc, làm việc riêng của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam bắt nguồn và liên quan trực tiếp từ quyền hiến định cho phép người bị buộc tội có quyền nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, và đây là cơ sở triển khai hoạt động của Luật sư trong tố tụng hình sự. Tinh thần của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 khẳng định quyền đương nhiên và chủ động của luật sư trong việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định tại Ðiều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

noi-dung-doan-van-ban-cua-ban-16

Hoạt động bào chữa của Luật sư thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, nhân đạo trong lối ứng xử xã hội giữa con người với con người. Sự tham dự của Luật sư trong tố tụng chính là sự phản biện xã hội hữu hiệu nhất, hạn chế sự lạm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng trong khi thi hành công vụ. Đối với những vụ án mà bị can bị tạm giam để điều tra, thì việc gặp gỡ giữa Luật sư và bị can là vô cùng cần thiết cho việc bào chữa.

Vậy câu hỏi đặt ra là Luật sư có quyền được vào trại tạm giam để gặp bị can, bị cáo hay không? Nếu có thì cuộc gặp gỡ giữa Luật sư và bị can, bị cáo trong trại tạm giam có bị giám sát không? Và cơ quan, cá nhân nào thực hiện việc giám sát? Và trên thực tế của việc gặp của Luật sư với bị ban, bị cáo tại trại tạm giam có được suôn sẻ như luật định không ??? – Bài viết dưới đây sẽ phần nào trả lời cho những vấn đề này.

Thứ nhất: Những đối tượng bị tạm giam theo quy định:

Theo khoản 2 Điều 3 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: “2. Người bị tạm giam là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giam, gia hạn tạm giam theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bao gồm bị can; bị cáo; người bị kết án phạt tù, người bị kết án tử hình mà bản án chưa có hiệu lực pháp luật hoặc đang chờ thi hành án; người bị tạm giam để thực hiện việc dẫn độ.”

Theo đó bị can, bị cáo là hai đối tượng đã bị khởi tố hình sự hoặc đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử bị bắt để tạm giam, đang thực hiện biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được quy định cụ thể tại Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Thứ hai: Luật sư có quyền được gặp bị can đang bị tạm giam không?

Khoản 4 Ðiều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: “người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.” Đồng thời Ðiều 16 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”; Điểm a, b khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa có quyền: (a) Gặp, hỏi người bị buộc tội; (b) Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can”; Khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: “3. Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.” thì về nguyên tắc chung, người bào chữa được gặp, hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo tại trại tam giam. Và việc gặp người bào chữa cũng là quyền của người bị tam giam, tạm giữ theo điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.

Thứ ba: Thủ tục thăm gặp bị can tại trại tạm giam:

Căn cứ Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

“1. Để gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân; 2. Cơ quan quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh. Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.” và Khoản 3 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: “3. Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam giữ hoặc nơi người bị tạm giữ, tạm giam đang khám bệnh, chữa bệnh; phải xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa.” thì để vào trại tạm giam gặp bị can, bị cáo Luật sư cần xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và thẻ Luật sư, hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

Thứ tư: Luật sư gặp bị can có bị giám sát không?

Theo các dẫn chiếu tại Mục 3 có thể hiểu việc gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam là quyền đương nhiên của Luật sư theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và chỉ phải đảm bảo theo nội quy, quy chế của cơ sở giam giữ.

Tuy nhiên, khi ban hành các Thông tư, thông tư liên tịch thì quyền này của Luật sư bị hạn chế rất nhiều, cụ thể tai khoản 3 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018:“3. Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, người bị tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với Thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.” thì việc gặp gỡ giữa Luật sư và người bị tam giam có sự giám sát của cơ quan thứ ba. Đồng thời, tại Điều 12 Thông tư 46/2019/TT-BCA của Bộ Công An ban hành ngày 10/10/2019 cũng có quy định tương tự về việc giám sát cuộc gặp giữa Luật sư và bị can.

Như vậy, việc gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam có thể được giám sát bởi cơ quan đang thụ lý vụ án với cơ sở giam giữ nếu cơ quan xét thấy cần thiết, khi đó Cơ quan đang quản lý bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp. Luật sư có thể thông báo trước việc gặp bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án.

Thứ năm: Thực tiễn áp dụng các quy định về gặp người bị tạm giam, bị can, bị cáo tại trại tạm giam:

Trước khi Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC, Thông tư 46/2019/TT-BCA của Bộ Công An được ban hành, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định Luật sư được gặp bị can trong trại giam mà không cần phải xin phép hoặc bị giám sát bởi bất cứ cá nhân, tổ chức nào.

Xuất phát từ lối mòn tư duy theo Luật cũ, không chịu lĩnh hội những điểm mới của Bộ luật tố tụng mới, nên sau khi hai thông tư trên được ban hành thì trong trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp, thì thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát cuộc gặp nếu cơ quan đang thụ lý vụ án xét thấy cần thiết, nhưng trường hợp nào là cần thiết thì các thông tư không quy định cụ thể dẫn tới sự ứng xử tuỳ tiện của các cơ quan tiến hành tố tụng. Thông thường, để né tránh trách nhiệm, phòng trường hợp không mong muốn xảy ra thì gần như tất cả các cuộc gặp giữa Luật sư và bị can, trước khi có kết luận điều tra đều bị giám sát.

Do đó, về thủ tục thăm gặp, theo hướng dẫn (ngoài luật, ngoài thông tư) của các cơ sở giam giữ, thì Luật sư muốn được gặp bị can phải thực hiện các việc sau:

  • Làm văn bản thông báo đến trại giam về việc thăm gặp;
  • Sau khi nhận được văn bản của Luật sư, trại giam sẽ làm văn bản xin ý kiến của cơ quan đang thụ lý vụ án để xem trường hợp này có cần phải giám sát hay không;
  • Sau khi nhận được văn bản phản hồi của cơ quan tiến hành tố tụng, trường hợp cần phải giám sát thì trại giam sẽ thông báo lại cho Luật sư biết và yêu cầu Luật sư liên hệ lại với cơ quan tiến hành tố tụng để xếp thời gian vào thăm gặp.

Theo quy trình thủ tục như trên thì không khác gì việc để được gặp bị can thì Luật sư phải xin phép cơ quan tiến hành tố tụng, khi có thời gian giám sát thì Luật sư được gặp bị can, còn nếu bận việc không vào trại giám sát cuộc gặp được thì Luật sư cũng mất luôn quyền thăm gặp đương nhiên của mình được quy định trong luật.

Thực tế đã cho thấy có nhiều Luật sư muốn gặp riêng bị can, bị cáo tại trại tam giam hầu như chưa có trường hợp nào được sắp xếp ổn thỏa. Cá nhân, tổ chức có thẩm quyền thường lúng túng khi tiếp nhận đề nghị từ người bào chữa. Đơn cử, luật sư N. V. Q (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có thời gian quyết liệt lên tiếng về vấn đề này khi không được vào gặp thân chủ trong trại tạm giam ở tỉnh Bình Dương. Theo diễn biến vụ việc, ngày 10/8/2018, Công an tỉnh Bình Dương bắt tạm giam ông Nguyễn Hồng Khanh. Lúc bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Khanh là Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương. Hai ngày sau, gia đình ông Khanh mời luật sư N. V. Q tham gia vào quá trình điều tra. Đến ngày 16/8, luật sư đến trại giam hoàn tất thủ tục gặp bị can. Cán bộ trại giam trả lời ban giám thị trại không cho phép. Cán bộ trại giam giải thích rằng đối với trường hợp ông Khanh, cơ quan chức năng có văn bản yêu cầu trại giam không cho luật sư gặp bị can khi điều tra viên không có mặt. Trại giam không có văn bản chính thức về lý do từ chối. Không thể gặp thân chủ, luật sư N. V. Q gõ cửa nhiều nơi (công an, VKSND tỉnh Bình Dương…) nhưng đều không nhận phản hồi từ cơ quan có thẩm quyền.

Tương tự, bị can trong vụ án “Tham ô tài sản” (xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy Lợi Nam Khánh Hòa) yêu cầu có luật sư bào chữa. Dù luật sư có yêu cầu nhưng cơ quan công an “ngó lơ” đề nghị gặp riêng bị can.

Kết Luận:

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có bước chuyển biến căn bản trong nhận thức và thực tế từ phía các cơ quan và những người tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thực thi các quy định gặp thân chủ của luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị can, bị cáo, đương sự trong nhiều vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cản trở từ phía một số cơ quan điều tra và điều tra viên, chủ yếu do nhận thức không đúng, không đầy đủ về quyền gặp, làm việc của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra tại cơ sở giam giữ, thậm chí các buổi hỏi cung của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự chấp thuận của cơ quan điều tra hoặc theo kế hoạch hỏi cung của điều tra viên. Muốn gặp phải đăng ký, chờ đợi hàng tháng vẫn không được gặp, làm việc với bị can trong giai đoạn điều tra. Khi vào gặp được thì trong các buổi làm việc, hỏi cung, thường các luật sư không được đặt câu hỏi, nếu có chỉ được hỏi thăm về sức khỏe, thông tin về tình trạng gia đình …

 

Từ thực tiễn đó, cùng với nhũng phản ánh của Liên đoàn Luật sư, Bộ Công an sẽ sớm ban hành Thông tư mới nhằm hướng dẫn, quán triệt để cơ quan điều tra các cấp, các điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ có thẩm quyền của cơ sở giam giữ cần nhận thức thống nhất và bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền bào chữa nói chung và quyền gặp riêng của luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, không bị giới hạn thời gian gặp, làm việc và có hướng dẫn rõ trường hợp nào bị hạn chế gặp hoặc phải có sự giám sát./.

Vừa rồi là câu trả lời dành cho câu hỏi: Thủ tục Luật sư vào trại giam gặp bị can, bị cáo

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 098918518để được hỗ trợ, giải đáp.

CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT - TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
HOTLINE: 0989185188
Theo dõi chúng tôi:Duong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia Youtube


Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .