CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

Thành viên hộ gia đình có được thành lập hộ kinh doanh giống nhau về địa chỉ và ngành nghề không?

23/11/2023
 257

1.     Thành viên hộ gia đình có được thành lập hộ kinh doanh giống nhau về địa chỉ và ngành nghề hay không?

          Căn cứ theo khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.”

          Bên cạnh đó, căn cứ theo khoản 2 Điều 80 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về quyền thành lập hộ kInh doanh của các thành viên hộ gia đình như sau:

“2. Cá nhân, thành viên hộ gia đình quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.”

          Ngoài ra theo Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh:

“Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh

1. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.”

          Như vậy, pháp luật hiện nay không quy định cụ thể một địa chỉ được đăng ký bao nhiêu hộ kinh doanh. Hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh có thể diễn ra tại các địa điểm khác nhau.

          Theo đó, thành viên hộ gia đình (không cùng đăng ký hộ kinh doanh) có thể thành lập hộ kinh doanh trên cùng một địa điểm và có thể hoạt động kinh doanh ở các địa điểm khác nhau.

 

          Tuy nhiên, thành viên hộ kinh doanh phải lựa chọn một một địa điểm để đăng ký trụ sở chính và thực hiện thông báo cho Cơ quan quản lý thuế; cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

Lưu ý: Luật cũng quy định thành viên hộ gia đình phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Ngoài ra, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh.

2.     Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hộ kinh doanh là gì?

          Căn cứ theo Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập hộ kinh doanh như sau:

- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;

- Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định taị Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

+ Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

o   Cụm từ “Hộ kinh doanh”;

o   Tên riêng của hộ kinh doanh.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

+ Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

+ Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

+ Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.

- Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ;

- Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Lưu ý: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh do người thành lập hộ kinh doanh tự khai và tự chịu trách nhiệm

3.     Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh như thế nào?

          Căn cứ theo Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

- Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:

+ Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

+ Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

- Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

- Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

 

TIN TRE VIỆT, TRỌN GIÁ TRỊ!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .