Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm năm 2024
Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm năm 2024
I. Cơ sở pháp lý tố giác tội phạm
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
II. Nội dung tư vấn tố giác tội phạm
1. Thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Theo Điều 144 Luật Tố tụng hình sự năm 2015, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được hiểu là:
- Tố giác tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố là người phát hiện hay có thông tin về tội phạm tố cáo, báo cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền, kiến nghị xét xử, xử lý vụ việc. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thể là công dân Việt Nam hoặc nước ngoài, có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Hình thức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có thể bằng lời nói hoặc văn bản.
2. Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 56 Luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cụ thể là:
- Quyền của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật về việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Yêu cầu bảo vệ tính mạnh, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, của người thân họ khi bị đe dọa;
+ Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
+ Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm;
+ Trình bày trung thực về tình tiết mà mình biết về sự việc.
Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 144 Luật Tố tụng hình sự năm 2015 bổ sung trách nhiệm của việc cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.
3. Phân biệt sự khác nhau giữa tố giác tội phạm và tin báo?
Cả hai hành vi tố giác về tội phạm và tin báo về tội phạm đều được xem là một trong những cơ sở để khởi tố vụ án hình sự khi nhận thấy hành vi đó có dấu hiệu phạm tội. Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự thì:
Tố giác tội phạm: là việc cá nhân phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm và tiến hành tố cáo hành vi đó với cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó công dân tố cáo về những hành vi nào đó mà họ cho rằng đó là tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tố giác tội phạm có thể được thực hiện bằng miệng hoặc có thể trực tiếp hoặc qua thư, điện thoại hoặc bằng văn bản…
Tin báo về tội phạm: được hiểu là thông tin về những vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc thực hiện thông tin về tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng
Tin báo về tội phạm là thông tin, thông báo, báo cáo của các cơ quan, tổ chức với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án đối với những hành vi, vụ việc đã xảy ra được cho là tội phạm. Tin báo tội phạm có thể là sự chuyển tiếp những thông tin mà cơ quan, tổ chức đã nhận được từ việc tố giác tội phạm của công dân, cũng có thể là những thông tin thu được từ hoạt động nghiệp vụ của chính tổ chức đó hoặc được phản ánh bằng chính hoạt động truyền thông theo chức năng nghề nghiệp
4. Công dân có thể tiến hành tố giác tội phạm với cơ quan nào
Theo quy định của pháp luật thì công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án hoặc với các cơ quan, tổ chức khác; bất kể là cơ quan, tổ chức nào khi nhận được tố giác tội phạm từ công dân đều có trách nhiệm tiếp nhận.
Với quy định như vậy, pháp luật đã mở rộng phạm vi tố giác tội phạm, tạo điều kiện cho người dân tham gia tố giác tội phạm được thuận tiện và rộng rãi, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhà nước. Theo đó, mội thông tin về tội phạm đều sẽ được nhanh chóng xử lý và khắc phục.
Cơ quan, tổ chức khi nhận được tố giác tội phạm của công dân phải có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản, để các cơ quan trên xem xét việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Đối với những vụ án mà luật quy định chỉ khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, thì các cơ quan tiếp nhận thông tin ban đầu cần phải làm các thủ tục như đối với các trường hợp khác khi công dân tố giác tội phạm. Cơ quan, tổ chức khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình mà phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm cũng phải báo tin cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.
5. Các bước để tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố vụ án
Cá nhân có nhu cầu tố giác tội phạm thực hiện việc tố giác thông qua quy trình sau:
Bước 1: Xác định cơ quan có thẩm quyền trách nhiệm tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Bước 2: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể thực hiện bằng một trong các hình thức sau:
– Bằng miệng: Cá nhân có nhu cầu tố giác tội phạm trực tiếp đến trình báo tại cơ quan có thẩm quyền hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1.
– Bằng văn bản; Cá nhân có nhu cầu tố giác tội phạm gửi đơn tố giác trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan có thẩm quyền.
Khi tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, người thực hiện cần cung cấp đầy đủ về các thông tin, tài liệu và đồng thời phải trình bày rõ những hiểu biết của mình đối với tội phạm mà mình tố giác, báo tin.
Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố
– Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo tiếp nhận bằng văn bản thì cơ quan, tổ chức, cá nhân báo tin có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận gửi thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
– Khi hết thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự mà người tiến hành tố giác vẫn chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết cho mình.
Trên đây là những tư vấn luật sư hình sự giỏi LUẬT TRE VIÊT về quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Công ty Luật TRE VIỆT hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ một cách tốt nhất.
Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Luật Tre Việt - Tin Tre Việt trọn giá trị
Hotline: 0989185188
Theo dõi chúng tôi: