Phạm vi đại diện
TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP BỐ MẸ TẶNG CHO NHÀ CHO CON DƯỚI 18 TUỔI
Tóm tắt câu hỏi: Con trai tôi năm nay 15 tuổi, vợ chồng tôi dự định tặng cho cháu 1 căn hộ chung cư. Tuy nhiên, theo tôi được biết cháu mới 15 tuổi nên không được tự mình thực hiện hợp đồng, khi đó phải được sự đồng ý của người giám hộ. Vậy vợ chồng tôi có thể làm hợp đồng tặng cho con nhà và đứng tên làm người giám hộ luôn không.
Và khi làm hợp đồng tặng cho rồi thì cháu có thể tự mình đứng tên trên sổ đỏ không ạ? Xin cảm ơn Luật sư!
Luật Tre Việt xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
* Về phạm vi đại diện:
Căn cứ khoản 3 Điều 21 Bộ luật dân sự 2015:
“4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”
Con bạn 15 tuổi, khi đó thực hiện hợp đồng liên quan đến bất động sản thì phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (người giám hộ).
Theo quy định của Điều 141 Bộ luật dân sự 2015 về phạm vi đại diện
“ Điều 141. Phạm vi đại diện
1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.”
Như vậy, theo khoản 3 thì người đại diện không được nhân danh đại diện để thực hiện giao dịch dân sự với chính mình. Vợ chồng bạn không được làm người đại diện cho con để thực hiện hợp đồng tặng cho với chính mình.
Vì thế, khi thực hiện hợp đồng tặng cho vợ chồng bạn phải nhờ ông, bà, anh, chị đủ điều kiện làm người giám hộ theo quy định tại Điều 49 và Điều 52 của Bộ luật dân sự để đại diện cho con mình.
* Về việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Điều 5 và Điều 97 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định người sử dụng đất bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và đối tượng được cấp GCNQSDĐ là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Ngoài ra, điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về việc ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận như sau: nếu cấp cho cá nhân trong nước nước thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi "CMND số:…"; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi "CMQĐ số:…"; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân thì ghi "Giấy khai sinh số….".
Như vậy, con trai bạn mới 15 tuổi vẫn có thể được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, nhưng kèm theo đó trong Giấy chứng nhận phải có tên của người đại diện hoặc người giám hộ (cụ thể là ông, bà, anh, chị); hoặc người đại diện hay người giám hộ sẽ đứng tên và trong giấy chứng nhận sẽ ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.