CHIA DI SẢN THỪA KẾ NHƯ THẾ NÀO?
1. Chia di sản thừa kế như thế nào?
Luật sư tư vấn:
1.1. Xác định hình thức thừa kế:
Bước đầu tiên cần xác định khi chia di sản thừa kế đó là xác định rõ hình thức thừa kế: thừa kế theo luật hay thừa kế theo di chúc.
Nếu thuộc trường hợp thừa kế theo di chúc thì phải xác định di chúc đó có hợp pháp hay không? có đảm bảo có giá trị hiệu lực hay không? Hay nói cách khác, chia di sản khi có di chúc phải đối chiếu các quy định của Bộ luật dân sự xem di chúc là loại di chúc nào? di chúc đó có đáp ứng các điều kiện có hiệu lực hay không?....
Nếu không có di chúc hoặc di chúc không có giá trị hiệu lực hoặc có người bị truất, không được hưởng, từ chối hưởng di sản thừa kế thì sẽ chia di sản, phần di sản thừa kế theo hình thức thừa kế theo luật.
1.2. Xác định người hưởng di sản thừa kế:
- Xác định hàng thừa kế:
Xác định những ai có quyền hưởng di sản thừa kế theo quy tắc: hàng thừa kế thứ nhất - hàng thừa kế thứ hai - hàng thừa kế thứ ba. Chỉ khi nào không còn người thuộc hàng thừa kế trên thì người thuộc hàng thừa kế sau mới được hưởng.
- Xác định ai là người được cho hưởng di sản thừa kế, ai không được hưởng di sản.
Trong nội dung này cần làm rõ: ai được nhận di sản, ai không được hưởng do: bị truất quyền thừa kế, không được hưởng thừa kế, không được người chết đề cập tới (quan trọng nhất là xác định xem có vợ, chồng, bố, mẹ đẻ, con dưới 18 tuổi hoặc trên 18 tuổi mất khả năng lao động mà không được hưởng hay không).....
1.3. Chia di sản thừa kế:
a. Thừa kế theo luật
- Trường hợp này chỉ cần lấy di sản thừa kế của người chết chia đều cho các đồng thừa kế.
Ví dụ: A chết để lại tổng giá trị tài sản là 100 triệu đồng. A có 3 con: C,D,E;1 vợ còn sống là B, bố mẹ (N và L) hiện tại đều mất.
Trường hợp này cần xác định: con dù trên 18 hay dưới 18 tuổi đều được hưởng di sản. Theo đó, di sản của A được chia như sau:
B=C=D=E= 100 triệu / 4 = 25 triệu đồng.
- Mặt khác cần xác định xem có đồng thừa kế nào mất trước hoặc cùng lúc với thời điểm mở thừa kế không? Nếu có thì phần di sản của họ sẽ được dành cho các con và pháp luật gọi là thừa kế thế vị.
Vẫn từ ví dụ trên, đặt giả thiết C đã có vợ và 2 con là F và G. C chết trước khi A chết. Trường hợp này di sản thừa kế của A được chia như sau:
B= C (F=G) = D = E = 100 triệu /4 = 25 triệu đồng.
F = G = 25 triệu/2 = 12,5 triệu.
b. Thừa kế theo di chúc
Cần xác định:
- Những người được hưởng di sản trong di chúc là ai? còn sống vào thời điểm mở thừa kế không?
Nếu có người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc mà mất trước thời điểm mở thừa kế thì phần thừa kế này được chia theo pháp luật.
Ví dụ: A để lại di chúc cho B, C, D mỗi người một phần bằng nhau là 40 triệu (tổng là 120 triệu). Tuy nhiên C lại chết trước thời điểm A chết nên phần di sản A để lại cho C sẽ được chia theo pháp luật.
(1) Chia theo di chúc:
B=C=D=40 triệu.
(2) Chia phần di sản mà C được hưởng theo pháp luật:
Trường hợp này chỉ còn B,D,E còn sống nên: B=D=E = 40 triệu/3 = 13,3 triệu
Như vậy:
B=D= 40 triệu + 13,3 triệu = 53,3 triệu
E = 13,3 triệu.
- Ai là người không được hưởng di sản thừa kế mà thuộc trường hợp pháp luật quy định dù không có tên trong di chúc nhưng vẫn được hưởng.Ví dụ: Giả sử N và L vẫn còn sống. Trong di chúc A để lại chỉ để cho D (theo di chúc là 120 triệu), trong khi E dưới 18 tuổi, vợ và bố mẹ không được hưởng. Trường hợp này di sản thừa kế của A được chia như sau:
(1) Xác định di sản thừa kế mà D được hưởng:
D được hưởng toàn bộ di sản trị giá 120 triệu theo di chúc.
(2) Chia thừa kế cho các trường hợp được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc:
Theo quy định của BLDS thì những người này được hưởng di sản thừa kế bằng 2/3 của một suất thừa kế.
(2.1) Trường hợp này đồng thừa kế thứ nhất của A gồm có 6 người: B,C,D,E,N,L.
Nên ta có:
1 suất di sản thừa kế = 120 triệu/6 = 20 triệu
(2.2) Chia di sản cho những người được hưởng không phụ thuộc vào di chúc:
B=E=N=L= 2/3 x 20 triệu = 13,3 triệu đồng.
Để đảm bảo cho những người trên được hưởng di sản buộc phải lấy tài sản của D. Nên số tiền mà D nhận được còn lại là:
120 triệu - (13,3 triệu x 4) = 66,7 triệu.
+ Nếu không có những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung di chúc hoặc họ đã chết... thì sẽ chia di sản cho những người có tên trong di chúc.
Ví dụ: A di chúc để lại di sản (120 triệu) cho B, E, N, L. Trường hợp này di sản được chia như sau:
B=E=N=L= 120 triệu/4 = 30 triệu.
Trên đây là chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của luật sư Luật Tre Việt. Nếu có vướng mắc hoặc cần trao đổi vui lòng Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, thừa kế, gọi: 0989 185 188