CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

NHỮNG ÁN LỆ VỀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI: TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁP LÝ

15/12/2024
 328

NHỮNG ÁN LỆ VỀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI: TÌNH HUỐNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁP LÝ

Đất đai là tài sản lớn của người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý, các đối tượng chỉ được sử dụng đất chứ không được sở hữu đất theo đúng diện tích, hiện trạng Nhà nước đã cấp cho Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tranh chấp đất đai luôn là chủ đề phức tạp và được nhiều người quan tâm.
Tính đến năm 2021, nước ta có 19 án lệ về tranh chấp đất đai. Tỉ lệ án lệ về tranh chấp đất đai chiếm 1/2 tổng số án lệ. Mỗi án lệ sẽ cung cấp cho chúng ta những vấn đề pháp lý khác nhau.

thiet-ke-chua-co-ten-35

1. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 04/2016/A
Vấn đề pháp lý:
Về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Tình huống án lệ:
Trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng mà chỉ có một người đứng tên ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đó cho người khác, người còn lại không ký tên trong hợp đồng; nếu có đủ căn cứ xác định bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên trong hợp đồng biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng nhà đất; bên nhận chuyển nhượng nhà đất đã nhận và quản lý, sử dụng nhà đất đó công khai; người không ký tên trong hợp đồng biết mà không có ý kiến phản đối gì.
Giải pháp pháp lý:
Phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng nhà đất.

2. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 07/2016/AL

Vấn đề pháp lý:

Công nhận hợp đồng mua bán nhà được xác lập trước ngày 01-7-1991

Tình huống án lệ:

Hợp đồng mua bán nhà được lập thành văn bản trước ngày 01-7-1991. Có chữ ký của bên bán. Ghi rõ bên bán đã nhận đủ tiền. Bên mua tuy chưa ký tên trên hợp đồng nhưng là người giữ hợp đồng và đã quản lý, sử dụng nhà ở ổn định trong thời gian dài mà bên bán không có tranh chấp đòi tiền mua nhà.

Giải pháp pháp lý:

Hợp đồng có giá trị xác định bên mua đã trả đủ tiền cho bên bán và ý chí của bên mua đồng ý với hợp đồng mua bán nhà đó, hợp đồng mua bán nhà được công nhận.

3. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 10/2017/AL

Vấn đề pháp lý:

Khiếu kiện Quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

Tình huống án lệ:

Quyết định về việc phê duyệt phương án hỗ trợ và tái định cư của UBND tỉnh có nội dung dẫn chiếu đến văn bản khác mà văn bản đó có nội dung tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người khởi kiện.

Giải pháp pháp lý:

Nội dung của văn bản được dẫn chiếu thuộc quyết định hành chính và quyết định hành chính đó là đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.

4. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 11/2017/AL

Vấn đề pháp lý:

Công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp

Tình huống án lệ 1:

Một bên thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng trên đất còn có tài sản thuộc sở hữu của người khác; hình thức và nội dung của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật.

Giải pháp pháp lý 1:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật.

Tình huống án lệ 2: 

Bên thế chấp và bên nhận thế chấp thỏa thuận bên nhận thế chấp được bán tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất mà trên đất có nhà không thuộc sở hữu của người sử dụng đất.

Giải pháp pháp lý 2:

Trường hợp này, khi giải quyết Tòa án phải dành cho chủ sở hữu nhà trên đất được quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó nếu họ có nhu cầu.

5. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 14/2017/AL

Vấn đề pháp lý:

Về công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất mà điều kiện đó không được ghi trong hợp đồng.

Tình huống án lệ:

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất không ghi điều kiện tặng cho nhưng tại các văn bản, tài liệu khác có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp.

Giải pháp pháp lý:

Tòa án phải công nhận điều kiện của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và xác định hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đó là hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.

6. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 15/2017/AL

Vấn đề pháp lý:

Công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Tình huống án lệ:

Các đương sự tự nguyện thỏa thuận miệng với nhau về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trước ngày 15-10-1993 (ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành); đã đăng ký, kê khai diện tích đất đã đổi và được ghi nhận tại Sổ địa chính; đã trực tiếp canh tác, sử dụng ổn định, liên tục, lâu dài.

Giải pháp pháp lý:

Tòa án phải công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp đó để xác định các đương sự có quyền sử dụng diện tích đất đã đổi.

7. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 16/2017/AL

Vấn đề pháp lý:

Về công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là di sản thừa kế do một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng

Tình huống án lệ:

Di sản thừa kế là bất động sản đã được một trong các đồng thừa kế chuyển nhượng. Các đồng thừa kế khác biết và không phản đối việc chuyển nhượng đó. Số tiền nhận chuyển nhượng đã được dùng để lo cuộc sống của các đồng thừa kế. Bên nhận chuyển nhượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giải pháp pháp lý:

Tòa án phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là hợp pháp và diện tích đất đã chuyển nhượng không còn trong khối di sản để chia thừa kế mà thuộc quyền sử dụng của bên nhận chuyển nhượng.

8. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 24/2018/AL

Vấn đề pháp lý:

Về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân

Tình huống án lệ:

Nhà, đất là tài sản chung của vợ chồng mà một người chết trước. Người còn lại và các thừa kế của người chết trước đã thống nhất phân chia nhà, đất. Thỏa thuận phân chia không vi phạm quyền lợi của bất cứ thừa kế nào. Việc phân chia nhà, đất đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai. Sau khi người còn lại chết mới phát sinh tranh chấp.

Giải pháp pháp lý:

Phải xác định nhà, đất đó đã chuyển thành quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của các cá nhân. Những người này chỉ có quyền khởi kiện đòi lại nhà, đất được chia đang bị người khác chiếm hữu, sử dụng bất hợp pháp mà không có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế là nhà, đất.

9. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 25/2018/AL 

Vấn đề pháp lý: 

Không phải chịu phạt cọc vì lý do khách quan

Tình huống án lệ:

Hợp đồng đặt cọc để bảo đảm giao kết hợp đồng mua bán nhà có thỏa thuận trong một thời hạn nhất định bên nhận đặt cọc phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nếu vi phạm thì phải chịu phạt cọc. Hết thời hạn theo thỏa thuận, bên nhận đặt cọc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà do nguyên nhân từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Giải pháp pháp lý:

Phải xác định việc bên nhận đặt cọc không thể thực hiện đúng cam kết là do khách quan và bên nhận đặt cọc không phải chịu phạt cọc.

10. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 26/2018/AL

Vấn đề pháp lý:

Xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản.

Tình huống án lệ:

Người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật. 

Giải pháp pháp lý:

Phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.

11. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 27/2019/AL

Vấn đề pháp lý:

Thụ lý, giải quyết vụ án hành chính liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện  hính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01-7-1991.

Tình huống án lệ:

Người khởi kiện khởi kiện quyết định hành chính có nội dung không chấp nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực  hiện  các  chính  sách  vềquản lý nhà đất  và  chính  sách  cải  tạo  xã  hội  chủ nghĩa liên quan đến nhà đất trước ngày 01-7-1991 theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội mà quyết định đó đã được ban hành đúng thẩm quyền, nội dung, trình tự thủ tục

Giải pháp pháp lý:

Tòa án phải thụ lý để giải quyết theo hướng bác yêu cầu khởi kiện.

12. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 31/2020/AL

Vấn đề pháp lý:

Xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ là quyền tài sản

Tình huống án lệ:

Cá nhân thuộc diện được mua nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước theo Nghị định số 61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở mà khi còn sống, người đó chưa làm thủ tục mua hóa giá nhà theo quy định của pháp luật.

Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, phải xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của Nhà nước là quyền tài sản và được chuyển giao cho các thừa kế của người đó.

13. Án lệ về tranh chấp đất đai: Án lệ số 32/2020/AL

Vấn đề pháp lý:

Trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Tình huống án lệ:

Đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ởnước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ổn định, đăng ký kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp nên việc yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất là không có cơ sở để chấp nhận.

14. Án lệ tranh chấp đất đai: Án lệ số 33/2020/AL

Vấn đề pháp lý:

Trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài 

Tình huống án lệ:

Cá nhân được Nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Trong quá trình sử dụng đất, người này đã tôn tạo đất, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai quyền sử dụng đất mà người được cấp đất không có ý kiến gì.

Giải pháp pháp lý:

Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất.

15. Án lệ tranh chấp đất đai: Án lệ số 34/2020/AL

Vấn đề pháp lý:

Quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường

Tình huống án lệ:

Quyền sử dụng đất do cá nhân tạo lập hợp pháp mà khi người đó còn sống, Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất và việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được bồi thường.

Giải pháp pháp lý:

Phải xác định giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi được bảo đảm bằng giá trị bồi thường nên người có đất bị thu hồi có quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường đó.

16. Án lệ tranh chấp đất đai: Án lệ số 35/2020/AL

Vấn đề pháp lý:

Người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng

Tình huống án lệ:

Người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài đã giao lại đất nông nghiệp cho người ởtrong nước sử dụng; người ở trong nước đã sử dụng đất đó ổn định, lâu dài và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giải pháp pháp lý:

Phải xác định người ở trong nước có quyền sửdụng đất hợp pháp, Tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại quyền sử dụng đất.

17. Án lệ tranh chấp đất đai: Án lệ số 36/2020/AL

Vấn đề pháp lý:

Hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ.

Tình huống án lệ:

Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất tuân thủ quy định của pháp luật nhưng sau đó giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ do sai sót về diện tích đất và trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không làm mất đi quyền sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất.

Giải pháp pháp lý:

Phải xác định hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật.

18. Án lệ tranh chấp đất đai: Án lệ số 40/2021/AL

Vấn đề pháp lý:

Công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế

Tình huống án lệ:

Các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế, không có thỏa thuận bằng văn bản; các bên đã sử dụng đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, đã đăng ký, kê khai và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất nhận chuyển đổi.

Giải pháp pháp lý:

Phải công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất trên thực tế; các bên có quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã chuyển đổi.

19. Án lệ tranh chấp đất đai: Án lệ số 43/2021/AL

Vấn đề pháp lý:

Hiệu lực của hợp đồng thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp là nhà đất do bên thế chấp nhận chuyển nhượng của người khác nhưng chưa thanh toán đủ tiền cho bên bán.

Tình huống án lệ:

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được công chứng, bên mua đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sửdụng đất ở nhưng mới thanh toán được một phần tiền mua nhà đất; các bên chưa thực  hiện  việc  giao  nhận  nhà.  Bên  mua  thế chấp nhà đất cho Ngân hàng, có đăng ký thế chấp theo đúng quy định  của  pháp  luật; bên bán biết và đồng ý để bên mua thế chấp nhà đất nhưng sau đó lại có yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Giải pháp pháp lý:

Xác định hợp đồng thế chấp có hiệu lực pháp luật. Không chấp nhận yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách hàng!

CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT - TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
HOTLINE: 0989185188
 Theo dõi chúng tôi:Duong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia Youtube


Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .