NGƯỜI TIÊU DÙNG MUA SẮM TRÊN CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI NHƯ FACEBOOK, INSTAGRAM, TIKTOK,… CÓ ĐƯỢC PHÁP LUẬT BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP HAY KHÔNG?
Pháp luật có bảo vệ người tiêu dùng mua sắm trên các trang mạng xã hội hay không? Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu mua hàng online thông qua các trang mạng xã hội ngày càng cao, cùng với đó là tình trạng người tiêu dùng online gặp khá nhiều những sự cố như: mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,... Vậy pháp luật có quy định gì về việc bảo vệ đối tượng này hay không?
1. Người tiêu dùng được hiểu là như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, định nghĩa về người tiêu dùng như sau:
Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.
Như vậy, bất kể ai thực hiện hoạt động mua sắm, sử dụng hàng hóa đều được xem là người tiêu dùng, bao gồm cả người mua sắm trên các trang mạng xã hội.
2. Cá nhân kinh doanh trên các trang mạng xã hội được hiểu như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, quy định về cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh như sau:
Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
- Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
- Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
- Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
- Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
- Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
- Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
Theo đó, cá nhân có hoạt động kinh doanh online trên các trang mạng xã hội như facebook, instagram được xem là cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
3. Trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
Điều 4 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, cụ thể là trên các trang mạng xã hội như sau:
- Bảo đảm chất lượng, số lượng, công dụng, an toàn thực phẩm của hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thương mại và các pháp luật khác có liên quan.
- Không được cung cấp cho người tiêu dùng các loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
- Cung cấp đúng, đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp cho người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về thương mại và pháp luật khác có liên quan.
- Đổi hàng hóa hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp không đảm bảo chất lượng, số lượng, công dụng như thông tin mà mình cung cấp.
- Chấp hành quyết định thu hồi hàng hóa trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp thuộc diện phải thu hồi và chịu chi phí để tiêu hủy hàng hóa trong trường hợp hàng hóa phải tiêu hủy theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Ngoài các quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh hoạt động trong phạm vi chợ, trung tâm thương mại phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng theo nội quy do Ban Quản lý chợ, thương nhân kinh doanh chợ, trung tâm thương mại ban hành và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 quy định về việc xử lý vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:
- Cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người tiêu dùng trên các trang mạng xã hội vẫn luôn được phép luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nhằm tạo nên một môi trường thương mại nghiêm túc và chuyên nghiệp.