CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

HÀNH VI SỬ DỤNG VỐN VAY KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH

14/08/2023
 317

1. Quy định pháp luật về mục đích sử dụng vốn vay

1.1. Vốn vay là gì?
          Căn cứ
Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010:

“Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.”

          Vốn vay bao gồm tiền được vay và sử dụng để đầu tư. Nó khác với vốn chủ sở hữu được sở hữu bởi công ty và các cổ đông. Vốn vay có thể được sử dụng để tăng lợi nhuận nhưng nó cũng có thể dẫn đến việc mất tiền của người cho vay.
1.2. Mục đích sử dụng vốn vay
          Mục đích sử dụng vốn vay được trình bày rõ trong hợp đồng vay. Theo đó, mục đích sử dụng vốn vay là nghĩa vụ hợp đồng vay theo các cam kết của bên vay đối với bên cho vay nhằm đảm bảo tuân thủ, đạt các mục tiêu, hiệu quả hợp đồng như mong muốn của các bên.
          Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, nhiều trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích cam kết, vi phạm các điều khoản trong hợp đồng vay đã diễn ra. Thêm vào đó, bên cho vay cũng không làm tốt công tác kiểm tra dẫn đến sai phạm kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng vốn vay không đúng mục đích

2.1. Sử dụng vốn vay không đúng mục đích
        Việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích như đã cam kết là dấu hiệu rõ ràng của hành vi chiếm đoạt tiền vay. Các biểu hiện thường gặp của hành vi này có thể kể đến như: tạo dựng chứng từ giả, cung cấp thông tin không đúng sự thật với mục đích duy nhất là có được vốn vay để giải quyết các nhu cầu riêng của bên vay, kể cả việc sử dụng vào mục đích trái pháp luật.
        Nếu người vay không hoàn trả tiền vay, đây là biểu hiện của ý thức chủ quan, sai phạm về sự gian dối của bên vay, căn cứ xác định hành vi chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành để các cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự.

2.2. Điều kiện xử lý hình sự đối với hành vi sử dụng vốn vay không đúng mục đích
        Trên cơ sở các dấu hiệu về tội phạm trên, hành vi này nếu cấu thành tội phạm thì bị xử lý về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự, hoặc "Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.
* Đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
        Căn cứ Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015: 

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.”

        Có thể căn cứ vào các điểm sau để xem xét:
- Mặt chủ quan của tội phạm: ý thức chiếm đoạt tiền vay trước khi ký hợp đồng vay.
- Mặt khách quan của tội phạm: bên vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích, gian dối hồ sơ vay, giả mạo tài liệu chứng từ để giải ngân, bỏ trốn sau khi nhận tiền vay...
* Đối với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
        Căn cứ khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015:
“1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.”
        Có thể căn cứ vào các điểm sau để xem xét:
- Mặt chủ quan của tội phạm: ý thức chiếm đoạt tiền vay sau khi ký hợp đồng vay.
- Mặt khách quan của tội phạm: bên vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích, gian dối hồ sơ vay, giả mạo tài liệu chứng từ để giải ngân, bỏ trốn sau khi nhận tiền vay...
       

        Theo đó, người xin vay vốn sử dụng không đúng mục đích cam kết, ví dụ người vay vốn cam kết sử dụng vốn vay để kinh doanh mà thực tế lại sử dụng vốn vay để sử dụng vào mục đích (nhưng không sử dụng vào mục đích bất hợp pháp như buôn lậu, rửa tiền...) dẫn đến khi đến hạn người vay vốn không có điều kiện hoàn trả lại số vốn đã vay.

        Trong thực tiễn áp dụng pháp luật, ranh giới hành vi tội phạm trong lĩnh vực này thường khó xác định và còn nhiều tranh cãi, bởi lẽ việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích phải gắn liền với ý thức chiếm đoạt tài sản và hệ quả của hành vi chiếm đoạt đó.

3. Một số lưu ý khi sử dụng vốn vay

        Khi sử dụng vốn vay, có một số lưu ý quan trọng mà bạn nên xem xét để đảm bảo rằng bạn quản lý tài chính của mình một cách hiệu quả và tránh các vấn đề tài chính không mong muốn. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

- Xác định Mục đích vay: Trước khi vay tiền, hãy rõ ràng về mục đích vay. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo rằng bạn sử dụng số tiền vay một cách có trách nhiệm và đáng tin cậy.

- Đánh giá Khả năng trả nợ: Hãy xem xét kỹ lưỡng khả năng tài chính của bạn trước khi vay. Đảm bảo rằng bạn có khả năng trả nợ theo lịch trình đã thỏa thuận mà không gặp khó khăn đáng kể.

- So sánh Lãi suất và Điều kiện vay: Nếu có nhiều nguồn vay khác nhau, hãy so sánh lãi suất và điều kiện vay để chọn lựa lựa chọn tốt nhất. Một lãi suất thấp không phải lúc nào cũng tốt nếu có các điều kiện vay không lợi cho bạn.

- Đọc kỹ Hợp đồng vay: Trước khi ký kết hợp đồng vay, đảm bảo bạn đã đọc và hiểu rõ tất cả các điều khoản và điều kiện. Nếu có bất kỳ điều gì mơ hồ hoặc không rõ, hãy hỏi nhà cung cấp vay để làm rõ.

- Không sử dụng vốn đã vay để trả nợ khác: Tránh sử dụng vốn vay để trả nợ cho các khoản vay khác, trừ khi có lý do cụ thể và chiến lược tài chính cân nhắc.

- Tạo Kế hoạch trả nợ: Xây dựng một kế hoạch cụ thể để trả nợ theo thời gian. Điều này giúp bạn theo dõi và quản lý tốt hơn tình hình tài chính.

 

Công ty Luật TNHH Tre Việt luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ khi Quý Khách hàng gặp vướng mắc về pháp lý. Mọi khó khăn, vướng mắc Quý Khách hàng vui lòng liên hệ để được chúng tôi tư vấn và hỗ trợ một cách nhanh chóng.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .