CÓ BẮT BUỘC PHẢI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG KHI THUÊ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG VIỆC NỘI TRỢ TRONG GIA ĐÌNH KHÔNG?
CÓ BẮT BUỘC PHẢI GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG KHI THUÊ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM CÔNG VIỆC NỘI TRỢ TRONG GIA ĐÌNH KHÔNG?
1. Giao kết hợp đồng lao động khi thuê người lao động làm công việc nội trợ trong gia đình được pháp luật quy định như thế nào?
Việc giao kết hợp đồng lao động khi thuê người lao động làm công việc nội trợ trong gia đình được quy định tại Điều 162 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình
1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
Đồng thời, căn cứ Điều 161 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Lao động là người giúp việc gia đình
1. Lao động là người giúp việc gia đình là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.
Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.
2. Chính phủ quy định về lao động là người giúp việc gia đình.
Theo quy định thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
Trong trường hợp này người lao động làm công việc nội trợ trong gia đình được xem là người giúp việc gia đình.
Do đó, người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản khi thuê người lao động làm công việc nội trợ trong gia đình.
2. Người sử dụng lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động làm công việc nội trợ trong gia đình không?
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình được quy định tại Điều 163 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình
1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.
2. Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
3. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.
4. Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.
5. Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.
6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.
Như vậy, người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động làm công việc nội trợ trong gia đình nhưng phải trả cho người lao động khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
3. Người lao động làm công việc nội trợ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có được đơn phương chấm dứt hợp đồng không?
Trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng được quy định tại Điều 89 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
Một số quy định riêng đối với lao động là người giúp việc gia đình
1. Quy định về hình thức hợp đồng lao động theo Điều 14 và khoản 1 Điều 162; nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo Điều 16; nội dung hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21; đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 2 Điều 35, khoản 3 Điều 36 và khoản 2 Điều 162; nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 40, Điều 41; trợ cấp thôi việc theo Điều 46 của Bộ luật Lao động được thực hiện như sau:
d) Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, mỗi bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày, trừ các trường hợp sau thì không phải báo trước:
d2) Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì các lý do: Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động; người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
đ) Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại điểm d khoản này. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định tại Điều 40, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định tại Điều 41 của Bộ luật Lao động. Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm thời hạn báo trước theo điểm d khoản này thì phải trả cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước;
Như vậy, theo quy định, trường hợp người lao động làm công việc nội trợ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà phải báo trước cho người lao động.
LUẬT TRE VIỆT - TIN TRE VIỆT, TRỌN GIÁ TRỊ