Cách tính giảm án cho phạm nhân?
Cách tính giảm án cho phạm nhân?
Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;
– Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP quy định quan hệ phối hợp trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù.
Dịch vụ Luật sư của Luật Tre Việt tư vấn qua điện thoại: 0989185188
1. Điều kiện để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù:
Để được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì người phạm tội phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây :
Căn cứ Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017:
“Điều 63. Giảm mức hình phạt đã tuyên
1.Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.
…”
Thứ nhất, người phạm tội đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn đối với hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười hai năm đối với tù chung thân; Ở đây có thể hiểu là để được giảm án thì người phạm tội phải đang chấp hành án rồi và đã chấp hành được tối thiểu một phần ba thời hạn thì mới được xem xét giảm án.
Thứ hai, người phạm tội muốn được giảm án thì phải là người có nhiều tiến bộ trong việc chấp hành nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên, cụ thể như sau:
– Người phạm tội bị phạt tù chung thân phải được xếp loại từ khá trở lên ít nhất bốn năm liên tục kể thời điểm xét giảm thời hạn. Trường hợp bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân thì người phạm tội phải có ít nhất năm năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên;
– Người phạm tội phải có ít nhất ba năm sáu tháng liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên trong trường hợp bị phạt tù trên hai mươi năm đến ba mươi năm;
– Người phạm tội phải có ít nhất ba năm liên tục liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên trong trường hợp bị phạt tù trên mười lăm năm đến hai mươi năm;
– Người phạm tội phải có ít nhất hai năm liên tục liền kề hoặc tám quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên trong trường hợp bị phạt tù trên mười năm đến mười lăm năm;
– Người phạm tội phải có ít nhất một năm hoặc bốn quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên trong trường hợp bị phạt tù trên năm năm đến mười năm;
– Người phạm tội bị phải có ít nhất sáu tháng hoặc hai quý liền kề thời điểm xét giảm được xếp loại từ khá trở lên trong trường hợp bị phạt tù trên ba năm đến năm năm;
– Người phạm tội phải có ít nhất một quý gần nhất được xếp loại từ khá trở lên trong trường hợp bị phạt tù ba năm trở xuống.
2. Đối tượng được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù:
Theo quy định của pháp luật có thể hiểu không phải đối tượng nào cũng được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, việc giảm án chỉ áp dụng cho người phạm tội có quá trình cải tạo tốt, luôn tuân thủ nội quy, quy định của trại giam. Trong quá trình cải tạo, những đối tượng này đã biết ăn năn, hối cải về hành vi của mình, trở nên hoàn lương và hướng thiện. Việc giảm án thể hiện sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta vì vậy nên các đối tượng được xem xét giảm án phải là những đối tượng đáp ứng các điều kiện theo quy định chung, tránh trường hợp giảm án cho những đối tượng không xứng đáng, giảm đồng loạt làm ảnh hưởng đến xã hội, thiếu sự công bằng và thậm chí có thể làm cho tình hình tội phạm ngày càng tăng.
Các đối tượng phạm như: người chưa thành niên; người cao tuổi, già yếu; phụ nữ có thai; người mắc bệnh hiểm nghèo; người đã lập công… Nhà nước cũng có sự ưu tiên hơn so với những đối tượng phạm tội khác. Đây là những đối tượng sẽ được xem xét giảm án đầu tiên nếu họ chấp hành án tốt.
Còn đối với người phạm tội đã được giảm một phần hình phạt mà có hành vi phạm tội khác xảy ra trước nhưng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử trong quá trình chấp hành hình phạt của bản án đối với hành vi phạm tội xảy ra sau, thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu sau khi người đó đã chấp hành được hai phần ba mức hình phạt chung.
3. Cách tính giảm án cho phạm nhân?
Người phạm tội sẽ chỉ được xem xét giảm án ba đợt mỗi năm, vào các dịp đặc biệt như: Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4),Ngày Quốc khánh (2/9),Tết Nguyên đán.
Riêng đối với các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, việc xem xét giảm án tù sẽ vào dịp như:Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam,Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12) thay cho dịp tết Nguyên đán.
Vào các dịp nêu trên người phạm tội được xem xét giảm án theo cách thức như sau:
Người phạm tội bị phạt tù chung thân, khi được giảm án thì lần đầu được giảm xuống ba mươi năm.
Người phạm tội mỗi lần có thể được giảm từ một tháng đến ba năm trong trường hợp bị phạt tù từ ba mươi năm trở xuống. Để được giảm ba năm phải là những người phạm tội đã chấp hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và lập công hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, học tập cải tạo.
Mỗi năm Người phạm tội chỉ được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù một lần, khoảng cách giữa hai lần xét giảm ít nhất là một năm. Trường hợp người phạm tội đã được giảm mà thời hạn tù còn lại không đủ một năm thì năm tiếp theo có thể đề nghị xét giảm sớm hơn trước một đợt, nhưng vẫn phải bảo đảm mỗi năm chỉ được xét giảm một lần.
Trường hợp sau khi đã được giảm thời hạn mà có lý do đặc biệt đáng được khoan hồng như lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được xét giảm thêm nhưng không được quá hai lần trong một năm.
Người phạm tội có thể được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành án phạt tù được một phần hai mức hình phạt tù có thời hạn đã tuyên hoặc hai mươi năm đối với hình phạt tù chung thân.
Lưu ý: Đối với người phạm tội đã chấp hành được ít nhất một phần tư mức hình phạt đã tuyên đối với án phạt tù từ ba mươi năm trở xuống hoặc mười năm đối với tù chung thân và có đủ điều kiện về xếp loại chấp hành án phạt tù quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP, có thể được xét, đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Người phạm tội đã lập công. Mỗi lần lập công, người phạm tội chỉ được xem xét, đề nghị giảm thời hạn một lần;
Người phạm tội đã cao tuổi và đã quá già yếu;
Người phạm tội bị mắc bệnh hiểm nghèo.
Mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp này là bốn năm, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành án phạt tù ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc mười lăm năm đối với hình phạt tù chung thân.
Trường hợp nếu có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và được sự đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phạm nhân có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc mức giảm cao hơn so với quy định
Tóm lại, để được giảm án thì người phạm tội cần phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đối tượng, tiêu chí xem xét giảm án. Khi đáp ứng đủ điều kiện để được giảm án thì người phạm tội có thể tham khảo cách tính giảm án cho phạm nhân LUẬT TRE VIỆT đã tư vấn như trên.
Trên đây là bài viết của Luật Tre Việt về Cách tính giảm án cho phạm nhân? Một lần giảm mấy tháng? thuộc chủ đề Giảm án, thư mục Hình sự và tố tụng hình sự. Mọi thắc mắc pháp lý, vui lòng liên hệ Luật sư 0989185188 hoặc Hotline dịch vụ 0989185188 để được tư vấn và hỗ trợ.
Luật Tre Việt - Tin Tre Việt trọn giá trị
Hotline: 0989185188