Các quy định có lợi cho bị cáo trong tố tụng hình sự, TRợ giúp viên pháp lý, Luật sư khai thác
Các quy định có lợi cho bị cáo trong tố tụng hình sự, Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư khai thác
1. Quy định tại Điều 51 BLHS
1.1. Điểm b, khoản 1: “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” là những đối tượng sau:
Đối với người dưới 18 tuổi (đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không có tài sản) mà người thân tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục (không cần tác động) đủ điểu kiện hưởng tình tiết giảm nhẹ;
Đối với bị can, bị cáo hoặc cha, mẹ của bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả bằng tiền, tài sản mà người được bồi thường không nhận. Tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án … thì vẫn được áp dụng;
Bị can, bị cáo không có tiền, tài sản đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, những người này đã thực hiện khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra được áp dụng;
Bị can, bị cáo không có trách nhiệm nhưng vẫn thực hiện thì được áp dụng;
Trong trường hợp không tích cực tác động thì chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS.
“Theo hướng dẫn tại Tiểu mục 1.1 và 1.2 Mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán TANDTC” (Nghị quyết 01/2006 đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản QPPL, hướng dẫn thay thế nên vẫn áp dụng được)
1.2. Điểm i, khoản 1 Điều 51: “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”
Điều kiện để được áp dụng tình tiết này phải đáp ứng 02 yêu cầu là:
- Phạm tội lần đầu; (đây là lần đầu tiên thực hiện hành vi phạm tội của người bị buộc tội)
- Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng mức hình phạt dưới 03 năm tù. (có 02 trường hợp)
+ Tội ít nghiêm trọng (điểm a, khoản 1 Điều 9 BLHS);
+ Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.
(Theo Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao)
1.3. Điểm p, khoản 1 Điều 51: “Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng”.
Xác nhận người khuyết tật là giấy xác nhận của UBND cấp xã cấp. Trong quá trình tố tụng đề nghị người được Trợ giúp pháp lý phô tô Giấy xác nhận khuyết tật, chứng thực nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng
1.4.Điểm s, khoản 1 Điều 51: “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”
Người bị buộc tội phải đáp cả 02 nội dung “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải” theo Công văn số 174/TANDTC-PC ngày 31/8/2023 của TANDTC.
1.5. Điểm u, khoản 1 Điều 51: “Người phạm tội đã lập công chuộc tội”
Khi Người bị buội tội đã bị khởi tố. Bị can được tại ngoại, có thể làm 02 việc để được áp dụng tình tiết này gồm:
- Phối hợp với Công an các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn, bắt kẻ phạm tội khác. Được Cơ quan Công an các cấp xác nhận;
- Có hành động quên mình vì lợi ích của Nhà nước, Cơ quan, người khác … được khen thưởng hoặc chứng nhận.
“Theo Điểm b, Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC” (Nghị quyết 01/2000 đã hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản QPPL, hướng dẫn thay thế nên vẫn áp dụng được).
1.6. Các điều kiện để xem xét áp dụng khoản 2 Điều 51
- Người bị buộc tội đầu thú;
- Bị cáo có ông, bà nội ngoại là người có công với cách mạng (Được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến; Thương binh; Bệnh binh … theo quy định tại “Điều 3 Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng”);
- Đối tượng được Trợ giúp pháp lý như: Người dân tộc thiểu số; hộ nghèo … có thể xem xét đề nghị;
- Có thành tích học tập tốt; thành tích trong công tác như: nhiều giấy khen; bằng khen …
2. Quy định về án phí:
Đa số các đối tượng được TGPL là người được miễn án phí theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội (trừ người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi …).
Tuy nhiên, để được miễn án phí, Người đề nghị phải làm đơn theo Điều 13 Nghị quyết số 326. (Việc xin miễn án phí của TGV cho người được TGPL thường diễn ra tại Phiên tòa. Do vậy, thẩm quyền xét miễn do HĐXX quyết định)
3. Xác định “Đồng phạm thứ yếu, có vai trò không đáng kể”
Theo quy định tại khoản 3, Điều 5 Nghị quyết số 03/2020/NQ-TANDTC có nêu:
“người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.”
CÁC GIẢI ĐÁP; HƯỚNG DẪN CỦA TANDTC CẦN TRONG TGPL
1. Về tội: “Tham ô tài sản” Điều 353 BLHS
“Theo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử của các Tòa án, ngày 24/4/2023
I. HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ
…
5. Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho Công ty, nhưng sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo đã chiếm đoạt số tiền này, không nộp về cho Công ty. Hành vi của bị cáo phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” hay tội “Tham ô tài sản”?
Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ thu tiền của khách, có trách nhiệm và trực tiếp quản lý tiền cước điện thoại, tiền cước viễn thông thu được. Bị cáo đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi thu được tiền của khách hàng, bị cáo không nộp về công ty mà chiếm đoạt số tiền này. Như vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 352, Điều 353 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và hướng dẫn tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi của bị cáo phạm tội “Tham ô tài sản”.”
2. Tình tiết giảm nhẹ TNHS; đối tượng dưới 18 tuổi:
“Theo Công văn số 212 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xửngày 13 tháng 09 năm 2019.
I. Về hình sự
…
3. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” có tương tự như tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” không?
Tình tiết "Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án" và tình tiết "Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” là hai tình tiết độc lập quy định tại điểm t và điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Tình tiết “Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới. Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội của mình, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra.
9. Trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án có áp dụng tình tiết “Người phạm tội là phụ nữ có thai” không?
Quy định tại điểm n khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự không phân biệt người phạm tội là phụ nữ có thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp sau khi bị khởi tố bị cáo mới có thai thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội là phụ nữ có thai” đối với bị cáo.”
4. Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 của Bộ luật Hình sự thì tội cướp tài sản có mức hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Vậy có được xử bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mức hình phạt là 04 năm tù không?
Theo quy định tại Điều 101 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mức phạt tù có thời hạn cao nhất được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định. Như vậy, luật chỉ khống chế mức phạt cao nhất áp dụng đối với đối tượng này mà không khống chế mức thấp nhất. Do đó, trong trường hợp nêu trên, Tòa án có thể áp dụng mức phạt 04 năm tù đối với bị cáo, nếu việc áp dụng hình phạt đó bảo đảm được mục đích của hình phạt và các nguyên tắc trong việc xử lý hình sự người chưa thành niên phạm tội.”
Chi tiết liên hệ Luật Tre Việt
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách !
CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT - TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
HOTLINE: 0989185188
Theo dõi chúng tôi: