Bị hại đã rút đơn có bị khởi tố tội cố ý gây thương tích
TƯ VẤN: NGƯỜI BỊ HAI RÚT YÊU CẦU KHỞI TỐ
Câu hỏi: Em trai tôi đang là sinh viên tại Hà Nội. Cậu ấy đi làm thêm và đi dán tờ rơi tại khu đô thị Văn Phú - Hà Đông. Bảo vệ ngăn không cho cậu ấy dán, cậu ấy đã gỡ xuống, nhưng bảo vệ vẫn mắng mỏ thậm chí nói rất nặng lời. Giận quá em tôi đã dùng gậy đánh bảo vệ. Sau đó người bảo vệ đi giám định thương tật và xác định tỷ lệ thương tật 29%. Gia đình chúng tôi đã đền bù vật chất theo yêu cầu của gia đình người bảo vệ, gia đình người bảo vệ đã rút đơn. Vậy xin hỏi nếu phải ra tòa thì em tôi sẽ bị xử mức án thế nào? Nếu gia đình người bảo vệ rút đơn và đề nghị giảm án thấp nhất thì em tôi có thể được hưởng án treo để tiếp tục đi học được không?
Trả lời:
Xin cám ơn bạn đã gửi câu hỏi về Ban biên tập của Luật Tre Việt. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
- Về tội danh và mức hình phạt:
Trường hợp của em bạn có va chạm, đánh nhau với 1 bảo vệ và theo kết quả giám định thì người bảo vệ bị thương tật với tỷ lệ 29%. Với kết quả giám định này thì đã đủ yếu tố để cấu thành tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), Cụ thể, Điều 104 quy định:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Người bảo vệ được xác định thương tật 29%, do vậy em bạn bị khởi tố theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự với khung hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
Tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:
"1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại Khoản 1 các điều 134,135,136,138,139,141,143,155 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức."
Như vậy, em bạn bị khởi tố theo Khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, cho nên căn cứ khoản 2 Điều 155 Bộ Luật tố tụng hình sự khi người yêu cầu khởi tố đã rút đơn yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ.
Do vậy, em bạn không bị xét xử trước Tòa.