CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

Tết cổ truyền Việt Nam: nguồn gốc, Ý nghĩa, phong tục

08/02/2024
 1898


Tết cổ truyền Việt Nam: Nguồn gốc, Ý nghĩa, phong tục


I. Nguồn gốc Tết Nguyên đán

Vậy Tết nghĩa là gì? Tết bắt nguồn từ đâu? Đó là những câu hỏi mà nhiều học giả đã dày công tìm câu trả lời qua nhiều thế hệ. Tết là sự bắt đầu, là khởi nguồn. Ý nghĩa của Tết bao trùm lên mọi mơ ước về những điều tốt đẹp, những điều lành và may mắn…

Tết, khởi đầu của một năm, một tháng, một mùa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới. Tết cũng là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm và ai cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho Tết.

Trong sử sách, ở mỗi thời, các nhà nghiên cứu đều phân tích và cho thấy những yếu tố gì dẫn đến việc hình thành nên cái Tết như ngày nay.

GS.TS, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên viết trong tạp chí Indochine số 75 và 75 ngày 12/12/1942, được MaiHaBooks dịch và in lại trong cuốn "Tết Việt Nam xưa" rằng, Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người Việt tổ chức long trọng nhất trong năm.

Theo lịch âm dựa trên sự vận động của mặt trăng, mỗi tháng bắt đầu vào một ngày trăng mới. Và năm mới bắt đầu vào ngày trăng xuất hiện sau khi mặt trời ló rạng khỏi chí tuyến nam, dấu hiệu cuối cùng trong ba dấu hiệu mùa đông.

Tết, vì thế mà theo sự diễn biến của cả mặt trăng và mặt trời. Tết mở ra mùa xuân và luôn rơi vào khoảng từ 10 ngày cuối cùng của tháng Một đến ngày thứ ba của tháng Hai.

 Tết này gọi là "tiết Nguyên đán", "thời kỳ rạng đông bắt đầu". Ngày này là ngày bắt đầu của năm, của tháng và của mùa, vì vậy, đó là buổi sáng thiêng liêng nhất. Nó báo trước những sự kiện tốt lành của mặt trăng sẽ xảy ra sau đó.

Ảnh sưu  tầm

Nhà sử học Trần Văn Giáp trong bài viết "Nguồn gốc Tết Nguyên đán ở Việt Nam" năm 1963 (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I giới thiệu) cũng phân tích, "Tết" hiểu theo gốc chữ Hán là chữ "Tiết", nghĩa là "thời tiết" tức là "Bát tiết" và "khí tiết".

"Bát tiết" theo chữ Hán là Tám ngày thay đổi khí hậu (khí tiết) trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, gồm: Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.

Trong tiếng Việt, Tết hay tiết là dịp hội hè, cũng là dịp lễ vui vẻ, bát tiết của Việt Nam không phải là Lập xuân, Xuân phân... mà là những ngày Tết có cúng lễ, gồm: Nguyên đán, Thượng nguyên, Hàn thực, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Thường tân, Đông chí.

 Trong tám ngày Tết ấy, Nguyên đán là ngày tết đầu năm, cho nên gọi là Tết Cả, cùng với các tết khác, ở các đình, chùa, đền, miếu đều có cúng lễ linh đình, ở các nhà thờ họ, các nhà riêng đều có làm cỗ bàn cúng lễ và hội họp vui vẻ.

 

Hai chữ "Nguyên đán" là một danh từ chữ Hán, theo sách cổ, sau thời nguyên thủy người ta đã biết định ra thế nào là một năm, thì lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là Nguyên đán. "Nguyên" nghĩa là đầu; "đán" nghĩa là buổi sớm; "Nguyên đán" là buổi sớm đầu năm…

Còn về nguồn gốc Tết ở Việt Nam bắt đầu từ bao giờ, cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào xác định. 

Theo nghiên cứu của nhà sử học Trần Văn Giáp, ngày "Tết Nguyên đán" ở Việt Nam đã có từ đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nguồn gốc chữ Tết cũng như nghĩa chữ "Tết Nguyên đán" cũng được phổ biến từ thời đó.

 Còn theo sự tích "Bánh chưng, bánh dày", Tết Nguyên đán có thể đã xuất hiện từ thời các vua Hùng, với truyền thuyết về chàng Lang Liêu và bánh chưng.

 

II. Ý nghĩa của Tết Nguyên đán

Ngày Tết cổ truyền Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng và quan trọng. Không chỉ là một dịp đánh dấu một năm qua đi mà còn để tạ ơn các vị thần của mùa xuân. Bởi họ đem đến sự ấm áp sau mùa đông lạnh giá, giúp cây cối sinh sôi nảy nở. 

Ngoài ra, ngày Tết cổ truyền Việt Nam còn là một dịp để người người nhà nhà quây quần sum họp bên nhau bên mâm cơm giao thừa. Và cùng nhau đón chào năm mới an khang thịnh vượng, ấm no hạnh phúc.

Chính vì mang tính chất sự khởi đầu của một giai đoạn gieo trồng mới, một tháng mới, mùa mới, năm mới, cho nên Tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt.

Với mỗi người Việt, Tết là dịp tụ họp, đoàn viên gia đình. Con cháu đi làm ăn xa, dù bận đến mấy cũng cố gắng về ăn Tết với gia đình. Mọi người ai nấy đều cố hoàn thành công việc, giải quyết công nợ xong hết trước Tết, để có thể đón một năm mới thanh thản, an vui.

Ngày xưa mỗi khi giáp Tết, con cháu làm ăn xa xôi, cách trở phương trời đến mấy cũng gắng thu xếp về sum họp cùng gia đình. Bởi dịp này là dịp gặp gỡ ông bà, cha mẹ, anh em, họ hàng ruột thịt. Để chờ đến giao thừa, mỗi người thắp một nén nhang trước bàn thờ gia tiên, nhờ người xưa phù độ hộ trì. Nói chung, không khí đêm giao thừa trong lòng người Việt chúng ta là thiêng liêng lắm. Người sống và người đã khuất trong thời khắc ấy hình như có một cuộc gặp gỡ trong cõi vô hình, điều này khó có ai giải thích nổi.

(Nhà nghiên cứu Toan Ánh)

III. Sự khác biệt của Tết cổ truyền Việt Nam xưa và nay

Người ta thường nói thời gian làm thay đổi tất cả mọi thứ. Đúng là như vậy, khi thời gian qua đi, con người lớn dần lên, đất nước cũng dần thay đổi để theo kịp thời đại. Và ngày tết cổ truyền Việt Nam cũng vậy, theo thời gian cũng dần thay đổi. 

1. Tết cổ truyền Việt Nam xưa 

 Ngày Tết cố truyền xưa không chỉ đơn giản là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm vấy vả. Mà còn là ngày mọi người được thưởng thức những món ăn ngon như bánh chưng, thịt lợn,..Bởi vậy việc đón tết rất được chú trọng và được chuẩn bị từ rất sớm. 

Người Việt xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp, làm việc rất vất vả nên cứ 3 tháng lại có một tết. Tết để cảm ơn trời đất sau mùa và cũng là để thưởng thức lúa mới, có tết để được ăn ngon mặc đẹp. Công nghệ gọi điện thoại ngày xưa không có nên sau 1 năm con cháu họ hàng đi chúc tết nhau, đến nhà nhau nhìn lên ban thờ và ngắm đổi thay của  gia đình để chúc mừng thành quả cố gắng 1 năm qua. Chỉ có đến dịp tết mới được mua quần áo mới vì thời đấy kinh tế khó khăn.

2. Tết cổ truyền Việt Nam hiện nay

Khi đất nước đã phát triển hơn, thì cuộc sống của mọi người cũng dần no đủ hơn. Ngay cả những ngày bình thường vẫn có thể ăn những món ngon, bánh chưng,..Mọi thứ đều được bày bán hàng ngày ở khắp nơi. 

Vì vậy những món ăn trong ngày tết xưa không còn được mong ngóng trong dịp Tết nữa. Tuy nhiên thì nhiều gia đình hiện nay vẫn cùng con cháu quây quần gói bánh chưng. Rồi cùng nhau trông bánh và kể nhau nghe những câu chuyện suốt một năm dài.

 Ngày nay mọi người cũng không cần chuẩn bị Tết sớm nữa. Bởi mọi thứ đều có sẵn ở ngoài chợ ngoài siêu thị,..Và ngoài ra nhiều gia đình không đón Tết mà sẽ đi du lịch.

3. Tết là trở về

Xã hội hiện đại, đã có rất nhiều thay đổi, kể cả trong cách đón Tết cũng như những thực hành trong dịp Tết. Thế nhưng, có một điều không bao giờ thay đổi, đó là tâm lý hướng về những giá trị truyền thống của người Việt trong dịp Tết, dù ở thế hệ nào, độ tuổi nào. Bởi vì trên hết, bản thân Tết đã là một sự trở về với cội nguồn.

Không phải ngẫu nhiên mà mỗi dịp Tết đến, người ta thường hướng tới sự đoàn tụ, sum vầy. Người làm ăn, người đi học xa, dù bận bịu, nhiều việc thế nào cũng đều cố gắng về nhà vào dịp Tết. 

Tết không có định nghĩa cụ thể, nhưng trong tâm trí mỗi người Việt đều là những buổi sum họp gia đình, cả nhà quây quần tụ họp trong những thời khắc đầu tiên của năm mới. Đó là định nghĩa "không thành lời" nhưng luôn rõ nét nhất mỗi khi nhắc đến Tết.

Với mỗi gia đình, dù là các gia đình trẻ, hiện đại, dù có lựa chọn những cách đón Tết, ăn Tết, thực hành Tết đơn giản và giảm các thủ tục nhiều hơn so với các thời trước, nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống. Bởi gia đình, dòng họ nào cũng có cuội nguồn, mâm ngũ quả ngày tết bao giờ cũng có nải chuối vì cây chuối chỉ có một gốc, sau khi cây chuối ra quả rồi sẽ dành hết dinh dưỡng để nuôi cây con. cây con lớn lên ngay cạnh cây mẹ và dần trở thành buị chuối to và dày để chống lại bão táp.  

IV. Tết Nguyên đán chính thức trở thành ngày nghỉ lễ của Liên hợp quốc 

Trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc.

Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết trên ngay trước thềm Năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức đón mừng Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm.

Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, là kết quả của quá trình phối hợp vận động tại Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam là một trong 12 nước tham gia thư chung gửi lãnh đạo Liên hợp quốc hồi tháng 8/2023 và tích cực thúc đẩy việc này.

 

Trước đó, ngày 10/8/2023, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn 12 nước tại Liên hợp quốc gồm Brunei Darussalam, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Mauritius, Philippines, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã gửi thư chung đề nghị Chủ tịch Ủy ban Hội nghị đưa Tết Nguyên đán vào lịch hằng năm của Liên hợp quốc để thể hiện cam kết của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đối với tính đa dạng và bao trùm cũng như ý nghĩa văn hóa của dịp lễ quan trọng này./.

Luật sư Nguyễn Văn Viên sưu tầm và biên soạn.

LUẬT TRE VIỆT - TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ 
Hotline: 0989185188


 
Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .