TÁC HẠI CỦA HÀNG GIẢ, HÀNG HÓA XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Khái quát về hàng giả, tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Theo: Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương (2011), Sổ tay Chống hàng giả và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, Hà Nội
I. HÀNG GIẢ
1. Quy định chung về hàng giả:
Có 4 loại hàng giả:
- Hàng giả chất lượng và công dụng là hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.
- Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa hoặc giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá.
- Giả mạo về sở hữu trí tuệ là hàng hoá, bao bì hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu, của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
- Tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả gồm các loại đề can nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá.
Hàng giả có thể chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả như trên. Ví dụ vừa giả mạo nhãn hiệu hàng hóa vừa giả chất lượng.
2. Các quy định riêng về hàng giả
- Thức ăn chăn nuôi giả là thức ăn chăn nuôi có hàm lượng định lượng chất chính chỉ đạt dưới 70% so với ngưỡng tối thiểu hoặc quá 20% trở lên, so vớt ngưỡng tối đa của mức chất lượng đã công bố của sản phẩm.
- Phân bón giả là loại phân bón có một trong các dấu hiệu sau: sản xuất trái pháp luật có hình dáng giống như loại phân bón được Nhà nước cho phép sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, giả, nhái về nhãn mác đối với loại phân bón đã được bảo hộ; không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng theo tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc mức quy định trong Danh mục phân bón; hàm lượng định lượng tổng các chất dinh dưỡng chỉ đạt từ 0% đến 50% mức tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc mức quy định trong Danh mục phân bón.
- Dược phẩm giả là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp sau đây: không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.
II. TÁC HẠI CỦA HÀNG GIẢ, HÀNG HÓA XÂM PHẠM QUYỂN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
1. Thực trạng sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Hiện nay hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hoá phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí.
Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Vật tư, nguyên liệu, linh kiện để sản xuất hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn, không có sự đầu tư về kỹ thuật và công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm, địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả.
Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường được tiêu thụ ở các địa điểm, khu vực, trung tâm, cửa hàng buôn bán hàng hoá, ở cả thành thị, nông thôn, vùng sâu vùng xa.
2. Tác hại của hàng giả, hàng hóa xâm phạn, quyền sở hữu trí tuệ
Đối với người tiêu dùng
Người tiêu dùng đang là đối tượng trực tiếp và bị thiệt hại về nhiều mặt từ việc mua và sử dụng hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trước hết là thiệt hại về kinh tế. Nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người sử dụng vì đó là những hàng hoá không đảm bào chất lượng, hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm.
Đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế do tệ nạn hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm giảm uy tín thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ làm lu mờ hình ảnh của nhãn hiệu nổi tiếng và có thể gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng. Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chi gây thiệt hại về mặt kinh tế mà nghiêm trọng hơn là triệt tiêu động lực sáng tạo về trí tuệ của các doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung; doanh nghiệp có thể bị phá sản, người lao động mất việc làm.
Đối với quản lý kinh tế - xã hội
Tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đăc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện những cam kết song phương hoặc đa phương về sở hữu trí tuệ. Kỷ cương pháp luật không được thực thi nghiêm minh, Nhà nước thất thu thuế, xã hội mất đi của cải, vật chất, môi trường bị xâm hại, đó là những tác hại to lớn do tệ sản xuất, kinh doanh hàng giả hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trực tiếp gây ra. Không chỉ vậy, tệ sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn gây nên những hậu quả phức tạp, nặng nề về đạo đức và xã hội. Yếu tố phi pháp làm gia tăng chênh lệch giữa người giàu và người nghèo. Lợi nhuận phi pháp từ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn làm cho đạo đức bị tha hoá từ đồng tiền bất chính thu được, kéo theo đó là những tệ nạn xã hội có cơ hội phát triển.
Quý Khách hàng có nhu cầu, vui lòng liên hệ Luật Tre Việt để được tư vấn hoặc hỗ trợ pháp lý.