AI LÀ CHỦ THỂ CHỊU TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI CÁC HÀNG HÓA XÂM PHẠM NHÃN HIỆU TRÊN SÀN THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ?
1. Các chủ thể của hoạt động trên sàn TMĐT?
Theo Điều 24 Nghị định số 14/VBHN-BCT về thương mại điện tử, các chủ thể của hoạt động trên sàn TMĐT gồm:
"1. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng).
2. Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
3. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán).
4. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng).
5. Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử.
6. Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại."
2. Hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu sản phẩm khác trên sàn thương mại điện tử, ai là chủ thể chịu trách nhiệm?
Hoạt động TMĐT có nhiều chủ thể như vậy, nhưng chỉ có một vài chủ thể chịu trách nhiệm khi có sự xâm phạm quyền SHTT của hàng hóa. Khi một hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu của sản phẩm khác, có hai chủ thể chịu trách nhiệm là sàn thương mại điện tử (TMĐT) và người bán hàng hóa đó.
Đối với trách nhiệm của người bán, Điều 37 Nghị định số 14/VBHN-BCT về thương mại điện tử quy định:
"6. Tuân thủ quy định của pháp luật về (...) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa (...) trên sàn giao dịch thương mại điện tử".
Đối với trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT, Điều 36 Nghị định số 14/VBHN-BCT về thương mại điện tử quy định:
"8. Có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử:
......
b) Gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
c) Phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy trình, thủ tục công bố tại Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử;
d) Cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật;
đ) Các biện pháp khác theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử.
9.Hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
a) Cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin nêu trên;
.......
c) Tiếp nhận, phản hồi thông tin để giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ online.gov.vn”
Có thể thấy, bên bán hàng có trách nhiệm đảm bảo quyền SHTT khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Vì thế, khi có hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu của sản phẩm khác, bên bị vi phạm có thể yêu cầu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm xử lý hoặc phối hợp với bên bị xâm phạm rà soát, gỡ bỏ hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu; hoặc yêu cầu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
Vậy người bị xâm phạm nhãn hiệu có thể gửi “Thư khuyến cáo” hành vi xâm phạm nhãn hiệu tới bên bán hàng có hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Nếu không giải quyết được, thì tùy tính chất vụ việc, bên bị xâm phạm nhãn hiệu có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thụ lý và xử lý hành vi xâm phạm. Khi đó, bên bán hàng phải chịu trách nhiệm và bồi thường còn sàn TMĐT sẽ có trách nhiệm liên đới trong vụ việc xâm phạm nhãn hiệu.
TIN TRE VIỆT, TRỌN GIÁ TRỊ!