Mua đất nông nghiệp bằng giấy viết tay, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, phạt ai mới đúng ?
Mua đất nông nghiệp bằng giấy viết tay, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, phạt ai mới đúng ?
Tôi xin hỏi như sau.Trường hợp hộ gia đình cá nhân A đã được cấp GCNQSDĐ cho 300m2 là đất nông nghiệp (trồng lúa), thực hiện chuyển nhượng 100m2 bằng giấy viết tay năm 2020 cho một hộ gia đình B. Nay hộ gia đình B thực hiện xây nhà trên phần đất lúa đã mua lại và bị UBND xã phát hiện. Vậy căn cứ theo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC, đối tượng bị lập biên bản để xử phạt ở đây là ai? là hộ gia đình A có GCN đã bán hay hộ gia đình B mua lại?
Đối với trường hợp bạn nêu thì ông B đã nhận chuyển nhượng của ông A 100m2 (đất nông nghiệp đã có giấy chứng nhận QSDD) và 2 bên đã thực hiện xong việc giao nhận tiền, bàn giao đất trên thực địa nên ông B mới tiến hành xây dựng nhà ở trên đất đã nhận chuyển nhượng (việc chuyển nhượng chưa đúng theo trình tự thủ tục pháp luật quy định).
Việc xây dựng nhà ở của ông B trên đất nông nghiệp vi phạm ở 02 lĩnh vực: Lĩnh vực đất đai và lĩnh vực xây dựng.
+ Trên lĩnh vực xây dựng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi xây dựng không có giấy phép xây dựng (ông B xây dựng nhà trên đất nông nghiệp) theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
+ Trên lĩnh vực đất đai thì còn băn khoăn là xử lý ông A hay ông B về hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Theo Luật Tre Việt thì trường hợp trên phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai đối với ông B, bởi vì:
– Theo điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
Như vậy, khi xử lý vi phạm hành chính phải xác định đúng đối tượng vi phạm, ở đây mặc dù việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là chưa đúng thủ tục (đúng thủ tục phải công chứng chứng thực và sang tên trên GCNQSD Đ) nhưng 2 bên đã hoàn thành việc giao nhận tiền, đất, Ông A đã có GCNQSDD nên ông A có quyền bán, ông B đã mua do đó ông B có quyền sử dụng và ông B đã có hành vi xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nên đối tượng vi phạm hành chính là ông B, chứ không phải ông A. Nếu đất Ông A chưa có GCNQSĐ thì là hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 18 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai. Ở đây ông A đã có GCNQSDD nên ông A không có lỗi và không bị xử phạt VPHC.
– Theo khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì: Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nêu rõ việc xử phạt áp dụng đối với cá nhân có hành vi phạm hành chính. Do đó, việc xác định ông B là đối tượng và xử phạt ông B là hoàn toàn chính xác theo Luật xử lý vi phạm hành chính.
Trên đây là tư vấn của Luật Tre Việt liên quan đến việc xác định đối tượng vi phạm hành chính trên lĩnh vực đất đai.
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Văn Viên - Giám đốc Công ty Luật TNHH Tre Việt
Luật Tre Việt - Tin Tre Việt trọn giá trị
Hotline: 0989185188