Mối quan hệ giữa Sổ hộ khẩu và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Hiện nay rất nhiều người thắc mắc rằng sổ hộ khẩu có liên quan đến quyền sử dụng đất không? Hay là cùng có tên trong sổ hộ khẩu thì có được thừa kế tài sản là đất đai hay không? Luật Tre Việt sẽ giải đáp đến bạn đọc và Quý khách hàng ngay tại bài viết này như sau:
1. Sổ hộ khẩu có liên quan gì đến quyền sử dụng đất không?
Sổ hộ khẩu và sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là một trong những chứng từ pháp lý quan trọng của người dân trong các giao dịch pháp lý.
Thứ nhất, về Sổ hộ khẩu. Căn cứ khoản 1 Điều 24 Luật cư trú 2006:
“1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.”
Như vậy, Sổ hộ khẩu chính là phương thức cơ quan Nhà nước sử dụng để quản lý nhân khẩu ở các hộ gia đình. Thông qua Sổ hộ khẩu có thể xác định nơi cư trú hợp pháp của công dân, cụ thể hơn là nơi thường trú của công dân để quản lý nơi cư trú của công dân tại từng địa điểm cụ thể. Ngoài ra, Sổ hộ khẩu còn có vai trò xác định thẩm quyền giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến mỗi công dân. Tuy nhiên, hiện nay, tại Luật Cư trú 2020, không còn khái niệm cụ thể về sổ hộ khẩu.
Thứ hai, về sổ đỏ. Sổ đỏ là cách gọi dân gian của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ Khoản 20 Điều 4 Luật Đất Đai 2003:
“20. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.”
Như vậy, Sổ đỏ là một văn bản pháp lý được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất nhằm bảo đảm các quyền lợi cho người sử dụng đất. Hiện nay, quyền sử dụng đất đã được gắn liền với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn trên đất theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất Đai 2013 như sau:
“16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Tóm lại, sổ hộ khẩu được xác định là một tài liệu xác nhận nơi đăng ký thường trú của người được cấp giấy chứng nhận và là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi thông tin nơi cư trú của họ trên sổ đỏ. Còn sổ đỏ là văn bản xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Người dân cần phân biệt rõ hai loại tờ pháp lý này khi tiến hành các giao dịch mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đặc biệt là trong giao dịch hưởng thừa kế.
Đây là hai loại giấy tờ pháp lý khác nhau, riêng biệt và chỉ hỗ trợ nhau trong quá trình tiến hành những thủ tục hành chính nhất định mà không hề có sự liên thông với nhau. Và sự nhầm lẫn của người dân về hai loại sổ này thường thể hiện nhiều nhất ở phương diện nhận thừa kế tài sản là đất đai và cấp sổ đỏ cho hộ gia đình.
2. Có tên trong sổ hộ khẩu có được nhận thừa kế không?
Căn cứ Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền thừa kế:
“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.”
Như vậy, thừa kế sẽ được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật chứ không phải chia theo sổ hộ khẩu. Chia thừa kế theo di chúc là chia theo những gì được ghi nhận trong nội dung di chúc. Còn chia thừa kế theo pháp luật sẽ áp dụng khi không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp. Theo đó, chia thừa kế theo pháp luật được xác định theo ba hàng thừa kế chứ không phải xác định theo người có tên trong sổ hộ khẩu. Ba hàng thừa kế theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 là:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Vì rất nhiều lý do mà có thể những người thuộc hàng thừa kế nêu trên có tên hoặc không có tên trong sổ hộ khẩu. Không thể căn cứ vào Sổ hộ khẩu để mở chia thừa kế.
3. Có tên trong sổ hộ khẩu có được nhận quyền sử dụng đất hộ gia đình không?
Căn cứ Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013:
“29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”
Như vậy, những người trong một hộ gia đình có quyền sử dụng đất với phần đất đo như nhau khi đáp ứng đủ cả 3 điều kiện đó là:
- Về có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng;
- Về việc đang sống chung với nhau;
- Và có quyền sử dụng đất tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Nếu chỉ căn cứ vào sổ hộ khẩu thì chỉ mới đáp ứng điều kiện là sống chung. Còn những người có tên trong sổ hộ khẩu chưa chắc đã có mối quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng hay có quyền sử dụng đất tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Do vậy không đủ điều kiện để được chung quyền sử dụng đất.
Quý khách hàng có nhu cầu, vui lòng liên hệ Luật Tre Việt để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý.