CẦN SA LÀ GÌ? TRỒNG CÂY CẦN SA CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT?
1. Cây cần sa là gì?
Cần sa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Hiện nay trong giới trẻ sử dụng các tên khác nhau cho cùng một loại cần sa xuất phát từ cây Cannabis Sativa như “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin” được sử dụng dưới dạng hút, vape, hít, uống hoặc ăn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân và giải trí. Nhưng cần sa có các hợp chất làm thay đổi tâm trí ảnh hưởng đến cả não và cơ thể do đó gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.
Các tác hại chủ yếu của cần sa đến sức khỏe con người như:
· Thay đổi tâm trạng
· Vận động suy yếu
· Khó khăn với suy nghĩ và giải quyết vấn đề
· Suy giảm trí nhớ
· Ảo giác, ảo tưởng
· Rối loạn tâm thần
· Vấn đề về đường hô hấp
· Tăng nhịp tim
…
Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy 2021 nghiêm cấm hành vi trồng cây có chứa chất ma túy (cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định), hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.
Như vậy, việc trồng cây thuốc phiện, cây cần sa là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, số lượng cây thuốc phiện, cây cần sa mà việc trồng cây thuốc phiện, cần sa sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Xử phạt hành chính hành vi trồng cây có chứa chất ma túy
Theo Khoản 6 Luật Phòng chống ma túy 2021 quy định thì cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.
Theo Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy như sau:
- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy;
+ Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua, bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
+ Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người quản lý phương tiện giao thông hoặc cá nhân khác có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, câu lạc bộ, hoạt động kinh doanh karaoke, hoạt động kinh doanh vũ trường, kinh doanh trò chơi điện tử, các phương tiện giao thông để xảy ra hoạt động tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực, phương tiện do mình quản lý;
+ Môi giới, giúp sức hoặc hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy;
+ Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất ma túy;
+ Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, kiểm định, kiểm nghiệm, sản xuất, bảo quản, tồn trữ chất ma túy, tiền chất ma túy;
+ Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
+ Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất ma túy;
+ Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển;
+ Thực hiện cai nghiện ma túy vượt quá phạm vi hoạt động được ghi trong giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện.
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng hoặc sử dụng giấy phép hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện vào các mục đích khác.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện khi chưa được đăng ký hoặc cấp phép hoạt động.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
+ Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 và Khoản 6 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
+ Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại các Điểm b và Điểm g Khoản 5 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
+ Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6 và Khoản 7 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Như vậy, hành vi trồng cây chứa chất ma túy có thể xử phạt hành chính tối đa 10.000.000 đồng với cá nhân và lên đến 20.000.000 đồng với tổ chức.
Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính này.
3. Truy cứu TNHS tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy
Theo Điều 247 Bộ luật hình sự 2015 và Điểm n Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy như sau:
- Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Với số lượng 3.000 cây trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
- Người nào phạm tội thuộc Khoản 1 Điều 247 Bộ luật hình sự 2015, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.