CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

BODY SHAMING LÀ GÌ VÀ CÓ VI PHẠM PHÁP LUẬT KHÔNG?

23/11/2023
 242

1.     Body shaming là gì?

          Body shaming dịch xuôi từ tiếng Anh sang tiếng Việt có nghĩa là “miệt thị ngoại hình”. Thuật ngữ này ám chỉ những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một người nào đó.

          Đây là tình trạng diễn ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Những ngôn từ “xấu” này sẽ ảnh hưởng lớn tới cảm xúc, tinh thần của người nghe, khiến họ khó chịu, bực tức và tổn thương sâu sắc.

          Ngoài ra, body shaming cũng là thuật ngữ để chỉ sự tồn tại suy nghĩ tự miệt thị bản thân, tức tự ti vào ngoại hình của chính mình. Tình trạng này hay gặp ở những người rụt rè, hướng nội.

2.     Phân loại, nguyên nhân – hậu quả và thực trạng

2.1.         Phân loại

          Có rất nhiều kiểu body shaming đang tồn tại ngoài xã hội. Trong đó phổ biến nhất bao gồm 2 dạng chính:

+ Miệt thị thân hình, vóc dáng: Chê người khác béo, gầy, lùn, dáng đi xấu,… Đây là kiểu body shaming diễn ra nhiều nhất.

+ Miệt thị làn da: Bình phẩm xấu về da người đối diện, chẳng hạn “da nhiều mụn nhìn sợ”, da quá đen,…

+ Face shaming: Cụm từ này để diễn tả trường hợp một người nào đó bị chê bai về các đặc điểm trên khuôn mặt của họ như mũi to, môi thâm, răng hô, gò má cao,…

2.2.         Nguyên nhân – hậu quả của body shaming

          Nguyên nhân body shaming xuất hiện là gì được rất nhiều người quan tâm, nhất là các bác sĩ tâm lý. Thực tế, tình trạng này chịu tác động của nhiều yếu tố. Tuy nhiên dễ hiểu nhất chính là tiêu chuẩn của xã hội.

          Cuộc sống càng hiện đại, con người ta sẽ nhìn nhận một con người chỉ qua hình thức bên ngoài. Họ chưa tìm hiểu đối phương về tính cách, nếp sống, học thức,… đã vội kết luận, tạo ra những lời nói, cử chỉ khó nghe. Ban đầu, những hành động này chỉ để vui đùa. Thế nhưng dần về sau nó sẽ trở thành thói xấu, ác ý.

          Hậu quả khôn lường body shaming để lại: Đối với người phán xét, đó chỉ là trò tiêu khiển, đùa giỡn thoáng qua. Ngược lại, với người nghe thì body shaming lại là nỗi ám ảnh, tổn thương sâu sắc. Thậm chí có thể khiến người nghe cảm thấy tự ti, tức giận, ảnh hưởng xấu tới tâm lý và sức khỏe của họ.

2.3.         Thực trạng body shaming ở Việt Nam

          Tại Việt Nam ta, dù là nước có nền văn hóa phát triển nhưng thực trạng body shaming vẫn diễn ra như “cơm bữa” hàng ngày. Thậm chí đang ngày càng có nhiều người nổi tiếng, ngôi sao bị chỉ trích về ngoại hình. Hơn thế, cư dân mạng còn buông những lời bình luận cay độc, ảnh hưởng tới hình tượng và danh dự của người bị bình phẩm.

3.     Hành vi body shaming có vi phạm pháp luật?

          Trước những hậu quả nghiêm trọng body shaming để lại, pháp luật nước ta đã ban hành những quy định liên quan tới vấn đề này. Theo nội dung của Điều 20 trong Hiến pháp năm 2013, bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có quyền được bảo vệ bản thân trước những lời chế giễu, phán xét, bình luận của người khác.

          Theo đó, tất cả mọi người đều không được phép dùng lời nói khó nghe để miệt thị nhân phẩm, ngoại hình đối phương. Dù đó có là bạn bè, người thân hay đồng nghiệp của bạn.

          Vì vậy, body shaming vẫn là hành vi vi phạm pháp luật; và có thể bị xử lý theo các chế tài tùy mức độ hành vi.

3.1.         Xử phạt hành chính

          Hành vi chê người khác béo, gầy như nghiện,… chính là việc sử dụng cử chỉ, lời nói nhằm trêu ghẹo và xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;”

          Như vậy, mức phạt hành chính cao nhất đối với hành vi body shaming người khác là 300.000 đồng.

3.2.         Xử lý hình sự

          Cũng hành vi chê người khác béo, gầy như nghiện,… nhưng hậu quả để lại lớn hơn, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự như: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác; Phạm tội với 02 người trở lên; Với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;….thì người chế giễu có thể bị truy cứu với Tội làm nhục người khác. Hành vi này có thể phạt tù đến 5 năm. Cụ thể được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

" Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Có thể thấy, mức phạt hình sự cao hơn nhiều so với mức phạt hành chính. Người nào có hành vi làm nhục người khác bằng lời nói có thể bị phạt tiền lên tới 30.000.000 đồng (gấp 100 lần mức phạt hành chính); thậm chí là bị phạt tù tới 05 năm.

3.3.         Bồi thường thiệt hại

          Ngoài ra, do các hậu quả của body shaming, người chế giễu, lăng mạ người khác cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân trong vụ việc. Cụ thể, tại điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 đã nêu rõ:

“1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

 TIN TRE VIỆT, TRỌN GIÁ TRỊ!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .