CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

ÁN TREO VÀ CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ CÓ GÌ KHÁC NHAU?

14/12/2023
 190

1.     Án treo là gì?

1.1.         Khái niệm

          Theo giải thích tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP thì:

“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.”

1.2.         Điều kiện chấp hành án treo

          Theo Điều 2 Nghị quyết 02, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau:

– Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

– Có nhân thân tốt.

          Một người được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này; người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật; và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú; nơi làm việc.Đối với người đã bị kết án nhưng được coi là không có án tích; người đã được xóa án tích, người được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính; chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất; mức độ của tội phạm mới ít nghiêm trọng; hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án; và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

– Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) trở lên; trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự; và không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

          Trường hợp có tình tiết tăng nặng TNHS thì số tình tiết giảm nhẹ TNHS phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng TNHS từ 02 tình tiết trở lên; trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

– Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định.

          Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú; hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể; mà người được hưởng án treo về cư trú; sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

          Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc từ 01 năm trở lên.

– Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù; nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; đồng thời không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

1.3.         Những trường hợp không được xét án treo

          Theo Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, những trường hợp không cho hưởng án treo là:

§  Người phạm tội là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy; ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi; cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

§  Người phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.

§  Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.

§  Người phạm tội bị xét xử cùng một lần về nhiều tội; trừ trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi.

§  Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội dưới 18 tuổi.

§  Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

2.     Cải tạo không giam giữ là gì?

2.1.         Khái niệm

          Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng; hoặc nghiêm trọng. Trong các hình phạt, thì hình thức hình phạt này nhẹ hơn hình phạt tù; nhưng nặng hơn hình phạt tiền; và cảnh cáo.

2.2.         Áp dụng cải tạo không giam giữ như thế nào?

– Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật Hình sự quy định; mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng; nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

          Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ; tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ; tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.

– Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan; tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức; hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.

– Trong thời gian chấp hành án, người bị kết án phải thực hiện một số nghĩa vụ theo các quy định về cải tạo không giam giữ; và bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Việc khấu trừ thu nhập được thực hiện hằng tháng. Trong trường hợp đặc biệt, Tòa án có thể cho miễn việc khấu trừ thu nhập; nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.

– Người bị kết án cải tạo không giam giữ phải thực hiện những nghĩa vụ quy định tại Luật Thi hành án hình sự.

Lưu ý:

– Không khấu trừ thu nhập đối với người chấp hành án là người đang thực hiện nghĩa vụ quân sự.

– Trường hợp người bị phạt cải tạo không giam giữ không có việc làm; hoặc bị mất việc làm trong thời gian chấp hành hình phạt này; thì phải thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng trong thời gian cải tạo không giam giữ.

– Thời gian lao động phục vụ cộng đồng không quá 04 giờ trong một ngày và không quá 05 ngày trong 01 tuần.

– Không áp dụng biện pháp lao động phục vụ cộng đồng đối với phụ nữ có thai; hoặc đang nuôi con dưới 06 tháng tuổi, người già yếu; người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.

2.3.         Nghĩa vụ của người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ

          Căn cứ điều 99 Luật Thi hành án hình sự quy định về nghĩa vụ của người phạm tội như sau.

– Có mặt theo giấy triệu tập và cam kết việc chấp hành án theo quy định

– Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, nơi làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, các hình phạt bổ sung theo bản án của Tòa án.

– Thực hiện nghĩa vụ nộp phần thu nhập bị khấu trừ; thực hiện một số công việc lao động phục vụ cộng đồng theo quy định của pháp luật.

– Chịu sự giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, nơi làm việc.

– Chấp hành quy định tại Điều 100 của Luật Thi hành án hình sự.

– Có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.

– Hằng tháng phải nộp bản tự nhận xét về việc thực hiện nghĩa vụ chấp hành án cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.

Phân biệt án treo và cải tạo không giam giữ

3.     Điểm giống nhau giữa án treo và cải tạo không giam giữ:

          Án treo và cải tạo không giam giữ là hai trong những biện pháp được áp dụng với người đã bị kết án được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Đây là hai biện pháp thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội, để họ không bị cách ly khỏi xã hội, vẫn được làm việc, sinh sống như bình thường.

3.1.         Giống nhau

– Đều không để người bị kết án phải ngồi tù mà được tự do hoạt động ở ngoài xã hội. Người được áp dụng hai biện pháp này phải có nơi cư trú rõ ràng, nơi làm việc ổn định.

– Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, giáo dục các đối tượng được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ là:

+ Cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc

+ Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc giám sát, giáo dục người đó.

– Thực hiện một số nghĩa vụ giống nhau như:

+ Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc;

+ Tích cực tham gia lao động, học tập

+ Phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục.

+ Phải khai báo tạm vắng nếu đi khỏi nơi cư trú 01 ngày

+ Nộp bản tự nhận xét 03 tháng một lần cho người trực tiếp giám sát, giáo dục.

3.2.         Khác nhau

          Thứ nhất về định nghĩa:

–Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.

          Hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt nhằm tạo điều kiện cho người bị phạt cải tạo không giam giữ được lao động, học tập tại cộng đồng và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình.

          Thứ hai, về bản chất:

-Án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.

-Cải tạo không giam giữ là hình phạt chính

          Thứ ba, điều kiện áp dụng:

          Điều kiện áp dụng đối với án treo là:

– Bị xử phạt tù không quá 3 năm

– Có nhân thân tốt

– Có nhiều tình tiết giảm nhẹ

– Xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù

          Điều kiện áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là:

– Phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng

– Xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội.

          Thứ tư, thời hạn phạt, thử thách:

          Án treo thời hạn phạt, thử thách như sau:

– Bị phạt tù không quá 03 năm

– Thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, trong khoảng từ 01 năm – 05 năm

– Có thể được rút ngắn thời gian thử thách

          Cải tạo không giam giữ có thời hạn phạt, thử thách như sau:

– Thời gian áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm

          Được xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt:

+ Đã chấp hành được một phần ba thời hạn

+ Có nhiều tiến bộ

+ Lập công

+ Mắc bệnh hiểm nghèo

          Thứ năm, nghĩa vụ:

          Chấp hành hình phạt án treo có nghĩa vụ sau:

– Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.

– Phải có công an cấp xã đến làm việc với UBND nơi được giao giám sát, giáo dục nếu đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng

          Chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ có nghĩa vụ như sau:

– Làm bản cam kết nêu rõ nội dung quyết tâm và hướng sửa chữa lỗi lầm của mình và phải có ý kiến của người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục

– Trường hợp đi khỏi nơi cư trú từ 03 tháng đến 06 tháng, thì phải có nhận xét của Công an cấp xã nơi người đó đến lưu trú hoặc tạm trú để trình UBND cấp xã được giao giám sát, giáo dục người đó.

– Ghi chép đầy đủ các nội dung quy định trong sổ theo dõi và nộp cho người trực tiếp giám sát, giáo dục khi hết thời hạn cải tạo không giam giữ;

– Khai báo và giao nộp đầy đủ phần thu nhập bị khấu trừ theo quyết định của Tòa án cho cơ quan thi hành án dân sự. Nếu không nộp đúng hạn thì phải chịu lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

          Thứ sáu, hậu quả khi vi phạm:

          Hậu quả khi vi phạm hình phạt án treo là:

– Có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung

– Cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì bị buộc chấp hành hình phạt tù của bản án được hưởng án treo

– Phạm tội mới thì phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.

          Hậu quả khi vi phạm hình phạt cải tạo không giam giữ là: Nếu vi phạm nghĩa vụ chấp hành án, đã bị nhắc nhở từ hai lần trở lên nhưng vẫn còn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị kiểm điểm

4.     Án treo và cải tạo không giam giữ cái nào nặng hơn?

          Án treo và cải tạo không giam giữ cái nào nặng hơn? Như đã phân tích án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, còn cải tạo không giam giữ là là một trong những hình phạt tù. Cho nên khi xét ở góc độ so sánh hai hình thức mà Toà áp dụng đối với ngươi phạm tội thì hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ có phần nặng hơn án treo.

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .