Xây nhà trên đất nông nghiệp, bị xử lý như thế nào ?
Xây nhà trên đất nông nghiệp, bị xử lý như thế nào ?
Theo Luật sư Nguyễn Văn Viên Giám đốc Công ty Luật Tre Việt, hành vi xây nhà trên đất nông nghiệp là một hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu chế tài xử lý nghiêm khắc.
Đất nông nghiệp là gì?
Đất nông nghiệp là loại đất được Nhà nước giao cho người dân để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng... Là tư liệu sản xuất chủ yếu, đặc biệt không thể thay thế của ngành nông - lâm nghiệp.
Các loại đất được xếp vào nhóm đất nông nghiệp
Theo khoản 2, Điều 9 Luật Đất đai 2024, đất nông nghiệp gồm các loại sau:
- Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác.
- Đất trồng cây lâu năm.
- Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
- Đất nuôi trồng thủy sản.
- Đất chăn nuôi tập trung.
- Đất làm muối.
- Đất nông nghiệp khác.
Chế tài xử lý hành vi xây nhà trên đất nông nghiệp
Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Viên cho biết, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích. Vì thế hành vi xây nhà, công trình khác trên đất nông nghiệp là một hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp tháo dỡ theo quy định, buộc khôi phục lại tình trạng đất ban đầu khi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013, Điều 5 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc sử dụng đất. Theo đó người sử dụng đất phải sử dụng đất: Đúng mục đích sử dụng đất; Bền vững, tiết kiệm, có hiệu quả đối với đất đai và tài nguyên trên bề mặt, trong lòng đất; Bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, không được lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học làm ô nhiễm, thoái hóa đất. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan; không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất liền kề và xung quanh.
Khi xây nhà ở, công trình khác trên đất nông nghiệp thì sẽ bị phá dỡ theo quy định tại khoản 4 Điều 92 Luật Nhà ở 2014.
Còn Luật Nhà ở 2023, Điều 136 cũng quy định các trường hợp nhà phải phá dỡ. Trong đó, điểm d, khoản 1, Điều này quy định: "Nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được phê duyệt".
Tại Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu khi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Theo đó, tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, tùy vào từng loại đất nông nghiệp cụ thể và diện tích bị chuyển sang đất ở trái phép (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp) sẽ bị phạt tiền với các mức phạt khác nhau, đồng thời bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu (phải phá dỡ nhà ở), nộp lại số lợi ích có được do hành vi vi phạm.
Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì trường hợp cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp là đất ở tại khu vực nông thôn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta.
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 1 héc ta.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1 héc ta đến dưới 3 héc ta.
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3 héc ta trở lên.
- Mức phạt trên áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân (còn đối với tổ chức mức phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân khi có cùng hành vi vi phạm).
- Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Như vậy, hành vi xây nhà trên đất nông nghiệp sẽ bị tháo dỡ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngoài việc bị phá dỡ thì người có hành vi vi phạm còn bị phạt tiền theo quy định, buộc khôi phục tình trạng đất ban đầu.
Liên hệ Luật Tre Việt để biết chi tiết
Luật Tre Việt - Tin Tre Việt trọn giá trị
Hotline: 0989185188