Đơn trình báo sự việc do cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận?
Đơn trình báo sự việc là gì?
Đơn trình báo sự việc là văn bản được sử dụng để trình báo về một sự việc vi phạm pháp luật hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Có hai loại đơn trình báo sự việc:
- Tố giác tội phạm: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu là tội phạm.
- Tin báo về hành vi vi phạm pháp luật: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đủ dấu hiệu là tội phạm.
Nội dung đơn trình báo sự việc cần bao gồm:
- Thông tin về người trình báo: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, email,...
- Thông tin về sự việc: Thời gian, địa điểm, nội dung sự việc, người có liên quan,...
- Yêu cầu của người trình báo: Đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết sự việc.
Người nộp đơn trình báo có thể nộp theo các hình thức sau:
- Nộp trực tiếp: Nộp trực tiếp đơn trình báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Gửi qua bưu điện: Gửi đơn trình báo qua bưu điện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Nộp trực tuyến: Một số cơ quan nhà nước cho phép nộp đơn trình báo trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của cơ quan.
Đơn trình báo sự việc do cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận?
Căn cứ Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
1. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:
a) Cơ quan điều tra;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
c) Viện kiểm sát các cấp;
d) Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
a) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.
b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.
Theo quy định trên, đơn trình báo sự việc do cơ quan sau có thẩm quyền tiếp nhận
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát các cấp;
- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an;
- Tòa án các cấp;
- Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.
Trường hợp đơn trình báo sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật này phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
2. Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
...
Theo quy định trên, trường hợp đơn trình báo sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay đơn trình báo sự việc kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trân trọng!