CẢNH SÁT GIAO THÔNG CÓ QUYỀN TẠM GIỮ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CỦA NGƯỜI VI PHẠM?
1. Ai có quyền tạm giữ Căn cước công dân của người vi phạm?
Căn cước công dân (CCCD) là thẻ chứa các thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân, dùng để thực hiện các thủ tục quan trọng khi làm việc với Nhà nước hoặc khi thực hiện các giao dịch hằng ngày.
Theo quy định tại khoản 2 điều 28 Luật Căn cước công dân 2014, trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyền tạm giữ Căn cước công dân của công dân, cụ thể như sau:
- Khi công dân đang chấp hành quyết định của cơ quan Nhà nước đưa vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Khi công dân đang bị tạm giữ, tạm giam, hoặc chấp hành án tù phạt.
Nếu công dân thuộc 01 trong 02 trường hợp kể trên, các cơ quan có thẩm quyền sẽ được phép tạm giữ thẻ Căn cước công dân của công dân theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật Căn cước công dân 2014, bao gồm các cơ quan sau:
- Cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam với công dân.
- Cơ quan thi hành án phạt tù.
- Cơ quan thi hành quyết định đưa công dân vào các trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. CSGT có quyền giữ CCCD không?
Theo phân tích bên trên, thẩm quyền tạm giữ căn cước công dân của người vi phạm không bao gồm cảnh sát giao thông (CSGT).
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA, các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát theo nhiệm vụ và kế hoạch bao gồm các điểm sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Thực hiện mệnh lệnh và kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác khi có văn bản đề nghị từ Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, cũng như văn bản đề nghị từ các cơ quan chức năng liên quan. Văn bản đề nghị này phải ghi rõ thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, và lực lượng tham gia phối hợp.
- Tiếp nhận tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức và cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Điểm a Khoản 2 Điều 10 Thông tư 65/2020/TT-BCA, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT được có quyền kiểm soát các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện giao thông sau: Giấy phép lái xe, Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (áp dụng với ô tô, xe máy chuyên dùng), Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, và các giấy tờ khác liên quan theo quy định của pháp luật.
Do đó, khi bị CSGT dừng xe để tuần tra kiểm soát, nếu yêu cầu xuất trình CMND hoặc thẻ CCCD, người tham gia giao thông phải tuân thủ và cung cấp đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, bổ sung bởi điểm a, b Khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 và Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:
Trường hợp công dân có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của cảnh sát giao thông, nhằm đảm bảo thi hành quyết định xử phạt hoặc nhằm xác minh các tình tiết làm căn cứ đưa ra quyết định xử phạt, cảnh sát giao thông có quyền quyết định tạm giữ phương tiện giao thông, giấy tờ có liên quan đến công dân điều khiển và phương tiện vi phạm.
Các loại giấy tờ được phép tạm giữ lần lượt theo thứ tự sau:
- Giấy phép lái xe.
- Giấy phép lưu hành phương tiện.
- Giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến phương tiện cho đến khi công dân vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính.
Trong trường hợp công dân vi phạm không cung cấp được các loại giấy tờ nói trên thì cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp:
Công dân vi phạm có địa chỉ cụ thể, có điều kiện về bến bãi đậu xe, bảo quản phương tiện hoặc có khả năng đặt tiền bảo lãnh thì được giữ phương tiện vi phạm nhưng sẽ thuộc sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, biện pháp tạm giữ giấy tờ, phương tiện này chỉ để đảm bảo cho việc thi hành pháp luật của công dân vi phạm.
Thời hạn tạm giữ được quy định tại Khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 là không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày cảnh sát giao thông tạm giữ.
Trường hợp cảnh sát giao thông phải phải chuyển hồ sơ vụ việc đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm giữ thực tế. Trong một số trường hợp, thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài nhưng không quá 01 tháng hoặc 02 tháng.
Nếu quá thời hạn công dân được hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được cảnh sát giao thông ghi rõ trong biên bản vi phạm hành chính mà công dân vi phạm vẫn chưa đến giải quyết và vẫn tiếp tục điều khiển xe tham gia giao thông, cảnh sát giao thông và cơ quan công an sẽ áp dụng xử phạt như đối với hành vi không có giấy tờ.
Như vậy, cảnh sát giao thông có thể tạm giữ 01 trong số các giấy tờ của công dân vi phạm như giấy phép lái xe, giấy tờ đăng ký xe hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện tham gia giao thông vi phạm.
Trường hợp công dân vi phạm không xuất trình được các giấy tờ trên thì cảnh sát giao thông sẽ có quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm.
Do đó, cảnh sát giao thông không có quyền giữ căn cước công dân hay bất cứ loại giấy tờ tùy thân nào khác (hộ chiếu, chứng minh nhân dân,...) của công dân vi phạm giao thông.