CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT

TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
luattrevietbn@gmail.com
0989185188

Bài phát biểu của luật sư: Hướng đến ai, nhằm đạt điều gì?

10/05/2025
 831

Bài phát biểu của luật sư: Hướng đến ai, nhằm đạt điều gì?
Bài viết bởi Luật sư Nguyễn Văn Viên- Chủ sở hữu Công ty Luật TNHH Tre Việt

Bài phát biểu bào chữa, bảo vệ của Luật sư tại phiên tòa là kết tinh hoạt động nghiệp vụ của Luật sư. Bài phát biểu của luật sư là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất tại phiên tòa – nơi mà trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp được phơi bày rõ nét. Đó không chỉ là lúc luật sư cất lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ, mà còn là thời khắc cao độ trong việc thực thi công lý. Bài bào chữa, bảo vệ của Luật sư không những được thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX), Kiểm sát viên, bị can, bị cáo, đương sự và người dân có mặt tại phiên tòa quan tâm, theo dõi đánh giá mà còn nhận được sự quan tâm, theo dõi, phân tích của nhóm chủ thể khác quan tâm không chỉ giới hạn trong phạm vi phiên tòa, giới hạn trong vụ án. Do đó, khi xây dựng, thể hiện bài phát biểu tại phiên tòa, Luật sư cũng cần hướng đến các nhóm chủ  thể đó. Nhưng điều quan trọng là: bài phát biểu của luật sư hướng đến ai và cần đạt được điều gì?

Hiểu rõ câu hỏi này chính là nền tảng để mỗi luật sư thực sự phát triển năng lực tranh tụng, cũng như để xã hội nhìn nhận đúng đắn vai trò của người hành nghề luật trong tiến trình bảo vệ pháp quyền.

Bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa theo cá nhân tôi cần hướng đến các nhóm chủ thể sau:

1. Bài phát biểu của luật sư hướng đến những chủ thể nào?

Thứ nhất: Hướng đến thân chủ (khách hàng của Luật sư) – Người đặt niềm tin tuyệt đối

Đối với thân chủ (khách hàng của Luật sư) – người đang đứng trước nguy cơ bị mất tài sản, danh dự, tự do hoặc cả sinh mệnh – thì mỗi lời nói của luật sư trong bài phát biểu không chỉ đơn thuần là ngôn từ pháp lý, mà là niềm hy vọng, là phao cứu sinh giữa cơn bão tố pháp lý.

Công việc của Luật sư là tìm ra các sự kiện pháp lý, đối chiếu quy định của pháp luật hay nói cách khác là vận dụng pháp luật, các cơ quan nhà nước là áp dụng pháp luật còn luật sư là vận dụng pháp luật do vậy phạm vi hoạt động của luật sư rộng hơn các cơ quan nhà nước. Luật sư sử dụng kỹ năng nghề nghiệp trên cơ sở nền tảng đạo đức nghề nghiêp luật sư  để xử lý các sự kiện pháp lý đó theo hướng có lợi nhất cho khách hàng của mình.

Là người bào chữa, đại diện, bảo vệ cho thân chủ, người Luật sư phải truyền đạt mong muốn, nói lên nỗi lòng của thân chủ tại phiên tòa. Luật sư tạo sự đồng cảm, gần gũi, thiết lập mối liên hệ mật thiết giữa Luật sư và khách hàng.

Thành viên HĐXX, Kiểm sát viên tại phiên tòa đôi khi chưa thấu hiểu nghề Luật sư. Do vậy, khi Luật sư dành thời gian phát biểu giúp khách hàng bày tỏ mong muốn, giãi bày nỗi lòng của khách hàng tại phiên tòa thường hay bị HĐXX ngắt lời. Mặt khác, sự hài lòng của khách hàng tại phiên tòa đối với Luật sư không thể được thực hiện bởi việc lợi dụng tâm lý bất an, sự bức xúc hoặc bất mãn của người dân tại phiên tòa. 

Do đó, bài phát biểu cũng cần thể hiện được sự tận tâm, thái độ tận tụy và sự thấu hiểu sâu sắc hoàn cảnh thân chủ, qua đó tiếp thêm niềm tin cho họ. Luật sư không chỉ đang làm nhiệm vụ pháp lý, mà còn là người đồng hành, người chia sẻ và bảo vệ phẩm giá cho khách hàng của mình.

Thứ hai: Hướng đến Hội đồng xét xử – Người "cầm cân nảy mực". HĐXX giữ quyền tối cao tại phiên tòa, có quyền quyết định việc “Thắng – Thua” của khách hàng

Không thể phủ nhận rằng Hội đồng xét xử (HĐXX) là đối tượng trung tâm của bài phát biểu. Đây là chủ thể duy nhất có quyền ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ việc. Vì vậy, toàn bộ hệ thống lập luận, dẫn chiếu pháp luật, phân tích chứng cứ của luật sư đều phải phục vụ cho mục tiêu thuyết phục HĐXX đưa ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thuyết phục ở đây không đồng nghĩa với việc lấy lòng hay ve vuốt. Hội đồng xét xử là những người chuyên môn cao, độc lập, và thường có tâm thế trung dung. Vì vậy, luật sư cần xác lập được lập luận chặt chẽ, chứng cứ rõ ràng, dẫn luật thuyết phục và thể hiện thái độ chuyên nghiệp, điềm tĩnh, thay vì sa đà vào cảm xúc hay thể hiện "cái tôi" cá nhân.

Thành viên HĐXX cũng là con người, với niềm tin nội tâm và chủ kiến trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, đôi khi thành viên HĐXX cho rằng nội dung vụ án đã rõ, hồ sơ, tài liệu đã đầy đủ, với thói quen “Trọng chứng hơn trọng cung”, HĐXX có xu hướng muốn Luật sư phát biểu ngắn gọn, phát biểu thẳng vào các vấn đề mà HĐXX cho là trọng tâm của vụ án. Nhưng nhận thức của Luật sư và thành viên HĐXX sẽ có sự khác biệt, có những vấn đề Luật sư đánh giá quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi ích của khách hàng nhưng có thể HĐXX cho rằng ít quan trọng hoặc không liên quan đến vụ án. Vì vậy, khi Luật sư trình bày, phân tích sâu để làm rõ nội dung đó có thể bị HĐXX yêu cầu chấm dứt. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra mâu thuẫn, khiếu nại, kiến nghị hiện nay.

Tôn trọng, thiện chí, hợp tác, tiết chế, phối hợp là những yêu cầu đặt ra không chỉ với Luật sư mà còn với cả thành viên HĐXX và người tiến hành tố tụng khác trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Thứ ba: Hướng đến Viện kiểm sát và bên đối lập – Đối thoại và phản biện

Trong các vụ án hình sự, luật sư thường phải đối trọng với đại diện Viện kiểm sát. Ở các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, thì đối tượng này có thể là luật sư hoặc người đại diện của phía bên kia. Phát biểu trước họ không phải để tranh cãi, mà để phản biện, làm rõ những điểm mâu thuẫn, đánh bật các lập luận thiếu căn cứ hoặc suy luận một chiều.

Việc đối thoại pháp lý sắc bén với bên còn lại giúp bài phát biểu của luật sư trở nên sinh động, chủ động và thể hiện được chiều sâu chuyên môn. Nó không chỉ hỗ trợ HĐXX trong việc đánh giá vụ án một cách toàn diện, mà còn góp phần nâng tầm vị thế của luật sư trong phiên tòa.

Mối quan hệ giữa Kiểm sát viên và Luật sư có thể rất khác nhau trong cùng một vụ án, xuất phát từ việc Luật sư bào chữa, bảo vệ cho ai trong vụ án. Ví dụ Kiểm sát viên và Luật sư bảo vệ cho người bị hại trong vụ án hình sự khác so mối quan hệ của Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa hoặc quan hệ Luật sư và Kiểm sát viên trong vụ án dân sự. Nhưng cho dù ở mối quan hệ nào Kiểm sát viên đều là người có tiếng nói, vai trò, vị thế góp phần quyết định “Thắng – Thua” của khách hàng của Luật sư vì họ là người tiến hành tố tụng, còn luật sư chỉ là người tham gia tố tụng. Mặt khác, tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm có nhiệm vụ kiểm sát hoạt động tư pháp bao gồm cả kiểm sát hoạt động của HĐXX và Luật sư.

Tìm kiếm sự đồng thuận bằng chứng cứ, lập luận hợp tình hợp lý, kiên trì theo đuổi vụ việc, “đấu lý để tìm ra chân lý”; tiết chế cái tôi, tìm kiếm sự đồng thuận, tránh sự đối đầu trực diện giữa Luật sư và Kiểm sát viên tại phiên tòa chưa bao giờ làm giảm quyền lợi của khách hàng hoặc làm giảm uy tín nghề Luật sư. 

Thứ tư, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến chủ thể có quyền và lợi ích đối lập với quyền lợi và  ích khách hàng của Luật sư.

Luật sư có trách nhiệm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng. Nhưng điều đó không cho phép người Luật sư bất chấp đạo đức xã hội, quy định của pháp luật để “đổi trắng – thay đen”, vì nghề Luật sư có sứ mệnh bảo vệ công lý, công lý là sự thật khách quan, tức luật sư cũng phải bảo vệ sự thật khách quan, công bằng xã hội. Các cụ ta có câu: “Nói phải củ cải cũng nghe”, cùng là một vấn đề người Luật sư lựa chọn cách thức diễn đạt sao cho phù hợp đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, đồng thời tránh gây bức xúc, đối đầu giữa các bên. Thay mặt bị cáo gửi lời xin lỗi và sẻ chia của Luật sư trước đau thương của gia đình bị hại, động viên họ giữ bình tĩnh, vững vào công lý trong vụ án giết người của Luật sư trước khi phân tích tình tiết vụ án không làm tăng nặng trách nhiệm của bị cáo. Khơi dậy tinh thần vị tha, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của các bên có quyền lợi đối lập trong vụ án.

Thứ năm, bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến lãnh đạo Cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại phiên tòa, HĐXX độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nhưng việc giải quyết vụ án là cả một quá trình, đòi hỏi tuân thủ quy định pháp luật nội dung, tố tụng. Lãnh đạo Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an có thẩm quyền, trách nhiệm quản lý, phân công cán bộ, tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên. Truyền tải nội dung bài phát biểu, diễn biến phiên tòa đến các chủ thể góp phần đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, triệt để và đầy đủ.

Thứ sáu: Hướng đến công luận – Công lý cần được thấy và nghe

Nhiều phiên tòa được tổ chức công khai, có sự tham gia của người dân, báo chí, sinh viên luật… Khi đó, bài phát biểu của luật sư còn là một thông điệp gửi đến xã hội: rằng pháp luật là công cụ bảo vệ quyền con người, công lý không phải điều xa vời, mà hiện diện trong từng lời tranh luận, từng câu dẫn luật, từng ánh mắt nhìn thẳng vào sự thật.

Một bài phát biểu đậm chất nhân văn, đúng pháp lý, sâu sắc về xã hội có thể làm lay động cả những người không quen biết, và khiến xã hội hiểu rằng: nghề luật sư không chỉ là “đấu tranh vì lợi ích”, mà là gìn giữ công bằng.

Báo chí và Luật sư là người bạn đồng hành vì công lý. Phát biểu, ứng xử của Luật sư tại phiên tòa hiện nay có thể được phản ánh ngay trên báo chí, truyền thông, mạng xã hội mà đôi khi chính người Luật sư cũng không biết, không kiểm soát được.

Tranh tụng tại phiên tòa, diễn biến giải quyết vụ án luôn nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí Luật sư cung cấp thông tin cho xã hội, góp phần đấu tranh chống cái ác, lan tỏa tính nhân văn, cao đẹp nghề luật. Luật sư cần trung thực, khách quan, có trách nhiệm khi cũng cấp thông tín cho báo chí, không sử dụng cơ quan truyền thông, báo chí, mạng xã hội để gây sức ép đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nhằm đạt được lợi ích không chính đáng cho khách hàng hoặc bản thân.

Thứ bảy: Bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến cơ quan quản lý nhà nước.

Hoạt động của người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư chịu sự quản, giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Cơ quan tư pháp, Cơ quan Nội chính,…

Thứ tám: Bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến việc hoàn thiện pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu của Luật sư tại phiên tòa không chỉ bảo vệ quyền lợi ích cho khách hàng trong vụ án, Luật sư có quyền và trách nhiệm bảo vệ công lý, công bằng xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Cùng việc đưa ra qua điểm, đề xuất để trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng, Luật sư còn kiến nghị hoàn thiện pháp luật; kiến nghị giải quyết các vấn đề chưa được giải quyết trong vụ án; kiến nghị giải quyết những nội dung mới chưa  được pháp luật điều chỉnh. Hiện nay, việc thực hiện quyền này chưa được Luật sư chú trọng, và khi Luật sư thực hiện cũng ít được HĐXX chấp nhận, ghi nhận vào bản án.

anh-bai-phat-bieu-cua-luat-su1

2. Mục tiêu của bài phát biểu – Điều gì là cốt lõi?

Làm rõ sự thật khách quan.

Bằng việc sử dụng logic pháp lý, lập luận chặt chẽ, và dẫn chứng cụ thể, luật sư cần giúp HĐXX hiểu đúng bản chất sự việc. Sự thật trong pháp luật là sự thật có chứng cứ, và bài phát biểu là công cụ cuối cùng để tái hiện sự thật ấy theo cách mạch lạc và thuyết phục nhất.

Áp dụng pháp luật chính xác và có tình, có lý

Luật sư không chỉ viện dẫn điều luật một cách máy móc, mà còn cần biết áp dụng luật hợp lý vào bối cảnh cụ thể, đồng thời kết hợp yếu tố thực tiễn và đạo lý xã hội. Những bài phát biểu hay thường có sự đan xen giữa pháp lý và nhân văn – để bản án không chỉ đúng luật, mà còn đúng với lẽ phải đời thường.

Thuyết phục – chứ không áp đặt

Luật sư không thể ra lệnh, cũng không thể “ra quyền”, mà chỉ có thể thuyết phục bằng lý lẽ và thái độ cầu thị, chững chạc. Mỗi câu nói, mỗi lập luận là một “chiếc cầu” hướng tới niềm tin từ HĐXX và các bên liên quan. Khi niềm tin ấy được thiết lập, cơ hội bảo vệ thân chủ sẽ tăng lên gấp bội.

3. Điều kiện để có một bài phát biểu chất lượng

Hiểu thấu hồ sơ, nắm chắc quy định pháp luật và chứng cứ.

Biết chọn lọc điểm mấu chốt, không sa đà vào tiểu tiết hoặc vòng vo.

Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, đúng trọng tâm, không lê thê cảm tính.

Thái độ bình tĩnh, cử chỉ tự tin, ánh mắt thuyết phục, giọng nói dứt khoát.

Có bản lĩnh để đối diện với sự phản bác, và linh hoạt trong ứng biến.

4. Hơn cả lời nói – Là cái tâm của người hành nghề luật

Bài phát biểu của luật sư không chỉ đơn thuần là màn trình diễn lý trí, mà phải xuất phát từ trái tim có trách nhiệm, cái tâm trong sáng và lòng trắc ẩn với con người. Nếu thiếu một trong các điều đó, mọi lập luận dù hay đến đâu cũng chỉ là lớp vỏ rỗng.

Trong những vụ án lớn nhỏ mà Luật Tre Việt từng tham gia, chúng tôi luôn tâm niệm: mỗi bài phát biểu là một lời tuyên ngôn về niềm tin vào công lý. Và mỗi luật sư đều phải có bản lĩnh để đứng lên, nói thay cho những tiếng nói bị lãng quên. Đó là tinh thần của Luật Tre Việt. “Tin Tre Việt trọn giá trị - bảo vệ đến cùng quyền lợi pháp lý của bạn”

Kết luận

Bài phát biểu của luật sư là vũ khí sắc bén trong tranh tụng, là công cụ truyền tải sự thật, lẽ phải và khát vọng công lý. Nó không chỉ nhắm đến việc “thắng – thua” một vụ án, mà sâu xa hơn, là một phần của sứ mệnh gìn giữ công bằng xã hội.

Chúng tôi, Công ty Luật TNHH Tre Việt, với đội ngũ luật sư tận tâm và dày dạn kinh nghiệm tranh tụng, cam kết sẽ luôn đặt chất lượng bài phát biểu – và toàn bộ phần bảo vệ quyền lợi của thân chủ – lên hàng đầu. Bởi với chúng tôi, mỗi vụ án là một câu chuyện, và công lý luôn cần được lắng nghe một cách chân thành và bản lĩnh.

Luật sư Nguyễn Văn Viên

Giám đốc – Công ty Luật TNHH Tre Việt
Rất hân hạnh được phục vụ Quý khách !

CÔNG TY LUẬT TNHH TRE VIỆT - TIN TRE VIỆT TRỌN GIÁ TRỊ
 HOTLINE: 0989185188

Theo dõi chúng tôi:Duong Gia FacebookDuong Gia TiktokDuong Gia Youtube

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Bài viết nổi bật

. .